Thursday, January 20, 2011

Hội chứng Giảm chú ý - Tăng động

(Vấn đề là bé gái mình, năm nay 4t, rất hiếu động, ít tập trung, dạy khó nghe, v/c mình rất mệt khi giữ bé, rất sợ bé bị HC này. Cũng hên là bé tiếp thu tốt, nhớ tốt, khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ tốt - [đặc điểm giới tính thể hiện sớm - hehe...]) 

Hội chứng "giảm chú ý - tăng động" hay rối loạn "giảm chú ý - tăng động" (Attention deficit and hyperactivity disorder) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1901, với sự suy giảm khả năng chú ý và gia tăng hành vi đáng kể.

Từ đó đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu trên các bệnh nhân mang rối loạn này, đồng thời cũng có không ít các tổ chức được thành lập nhằm giúp đỡ, tương trợ cho bệnh nhân cũng như gia đình họ. Tại Việt Nam, đây cũng là một rối loạn đáng chú ý bởi tần suất xuất hiện, cũng như sự thiếu thốn trong vấn đề điều trị hỗ trợ, nâng đỡ bệnh nhân.I. ĐỊNH NGHĨA
Hội chứng giảm chú ý - tăng vận động còn gọi là hội chứng tăng động là một tình trạng bệnh lý thần kinh biểu hiện ở trẻ có mức độ chú ý và hoạt động, xung động không phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ phát triển của trẻ. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp.

Hội chứng giảm chú ý - tăng vận động gồm 4 vấn đề chính như sau:

  • Giảm chú ý
  • Tăng vận động
  • Bốc đồng
  • Phiền muộn
II. TẦN SUẤT
Tần suất trẻ trai mắc nhiều hơn ở trẻ gái, tuy nhiên các trường hợp bệnh ở trẻ gái có khuynh hướng gia tăng. Điều đó được giải thích rằng, biểu hiện triệu chứng ở trẻ gái khó nhận biết và kín đáo hơn trẻ trai, thêm vào đó trẻ trai có khuynh hướng rất hiếu động nên có thể có sự nhầm lẫn trong chuẩn đoán.

Bệnh xuất hiện mọi nơi, trong mọi tầng lớp xã hội và thường được phát hiện trước 7 tuổi. 70% trẻ vẫn tiếp tục biểu hiện hội chứng này cho đến tuổi trưởng thành.


Tuy nhiên, hiện tại chưa có con số cụ thể về tỷ lệ trẻ mang hội chứng này trong dân số chung.

III. NGUYÊN NHÂN
1. Yếu tố gen được cho là nguyên nhân.
Hiện tượng đột biến nhiều gen được ghi nhận trên 80% trường hợp bệnh .
Thực tế, qua các nghiên cứu người ta còn nhận thấy rằng hội chứng trên mang tính chất gia đình. Gia đình có cha/mẹ mang hội chứng này thì 57% con của họ có biểu hiện bệnh.

Đối với các cặp sinh đôi thì nguy cơ này là 91%. Trẻ có anh chị em mắc bệnh thì nguy cơ bệnh ở trẻ tăng gấp 5-7 lần so với bình thường.

2. 20% còn lại là do các nguyên nhân khác, bao gồm:
Các nguyên nhân sinh lý: rối loạn về thính giác, thị giác, phản ứng với một số thuốc, ngộ độc chì…
Bất thường trong thai kỳ xảy ra chiếm 10 – 15%, do:
  • Hút thuốc lá, uống rượu, ma túy, thiếu oxy thai nhi… ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ.
  • Sinh non: trẻ sinh non có nguy cơ chậm phát triển bộ não.
  • Các yếu tố độc hại trong môi trường như BPC (hydrocarbures benzéniques), Dioxin cũng góp phần làm tăng nguy cơ TDAH ở trẻ.
  • Các tổn thương sau sinh chiếm 3 – 5 % bao gồm: viêm nhiễm ( viêm não), chấn thương sọ não gây tổn thương chất xám thùy trán vỏ não, ngạt, tiếp xúclâu ngày với các kim loại nặng gây ngộ độc đặc biệt là chì…
3. Các yếu tố tâm lý xã hội học
Hiện tại chỉ được xem như là yếu tố khởi phát bệnh hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh bao gồm: lo âu, rối loạn tâm thần, bị xâm hại - lạm dụng tình dục, khó khăn trong học tập, gia đình tan vỡ…

Người ta còn ghi nhận rằng, trẻ em thường hay bắt chước những hành vi của cha mẹ và bạn bè cũng như những người xung quanh, đặc biệt là những hành vi hung hăng. Điều này thể hiện qua việc những trẻ sống trong hoàn cảnh mà mối quan hệ cha mẹ - con cái không tốt thì nguy cơ mắc hội chứng này tăng gấp 9 lần so với trẻ sống trong môi trường tốt đẹp.

IV. TRIỆU CHỨNG
Hầu hết các trường hợp đều biểu hiện triệu chứng trước 7 tuổi.

Từ 0 -1 tuổi

  • Trẻ hay khóc và khóc lâu.
  • Cho trẻ ăn khó khăn.
  • Trẻ hiếu động và ngủ ít.
  • Có hành vi gây hấn như nắm tóc, đấm đá, tấn công người khác.
  • Dễ có cơn thịnh nộ.
Trên 1 tuổi
Dấu hiệu vận động dễ nhận ra bởi những người xung quanh:

  • Trẻ vận động không ngừng, giống như đứng trên lò xo, nhảy nhót leo trèo khắp nơi.
  • Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, xoay trở liên tục trên ghế như muốn xoắn người lại.
  • Đứng lên khi đang ăn hay đang học.
  • Ngồi không yên khi xem tivi.
  • Hầu như không thể chuyện trò khi có trẻ ớ đó vì trẻ luôn chen ngang câu chuyện, bất kể là ai… Trẻ nói nhiều và nói rất to khi được hỏi, thường trả lời ngay khi chưa nghe hết câu hỏi.
  • Trong trò chơi, trẻ không bao giờ đợi được đến lượt mình.
  • Trẻ bốc đồng, thô bạo, thậm chí hung hăng bởi vì hành động của trẻ không thể kiểm soát được.

Dấu hiệu giảm chú ý:

  • Cần phải lập lại nhiều lần 1 câu vì có những biểu hiện như không nghe thấy.
  • Trẻ không ngoan, không tuân theo mệnh lệnh của người lớn.
  • Ở lớp, trẻ bị phân tâm với cả những tiếng động nhỏ nhất, những sự việc nhỏ nhặt vô nghĩa.
  • Trẻ thường xuyên quên làm bài tập, mất gôm, bút ngay cả tập sách… Chữ viết xấu, thất thường, không bao giờ tuân thủ nội quy...Giáo viên thường xuyên phê vào sổ liên lạc về vấn đề tập trung chú ý nghe giảng của trẻ
Sự suy giảm khả năng chú ý làm ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng học tập của trẻ. Còn hiện tương tăng động cản trở việc hòa nhập vào xã hội cũng như gia đình của trẻ.

Điều đáng chú ý ở đây là
: Người ta ghi nhận rằng những trẻ mang bệnh lý này thường thông minh hơn những trẻ bình thường (đánh giá bởi thương số trí tuệ IQ ). Những trẻ này có trí tuệ lanh lợi nhạy bén đặc biệt, năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng vượt trội so bình thường, một tinh thần và một thể chất không hề mệt mỏi.

Các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau tuổi mẫu giáo, nhưng gây bất lợi rõ ràng từ 6 tuổi trở đi, vì đây là lứa tuổi trẻ phải tiếp thu nhiều kiến thức và quá trình này đòi hỏi khả năng chú ý của trẻ.

Gia đình của trẻ gặp khó khăn rất nhiều trong việc giáo dục trẻ, bắt trẻ nghe lời cũng như yêu cầu trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nào đó.

Chú ý: Cần phân biệt trẻ nghịch ngợm với trẻ tăng động
Tuổi của trẻ: trẻ 3 tuổi thì luôn cử động và khả năng tập trung chú ý không thể nào bằng với trẻ 13 tuổi.

Những người xung quanh trẻ: một vài gia đình hoặc trường học rất khắt khe trong việc giữ trẻ và cho là trẻ không được quyền nhìn trời mây hay cử động lung tung, cho dù đó là sự phát triển bình thường.

Cần loại bỏ những bệnh lý khác, và quan trọng là đây chỉ là những triệu chứng gợi ý để cha mẹ có thể đánh giá, nhận dạng điểm bất thường ở con mình. Muốn chẩn đoán xác định bệnh, cần phải dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế và thông qua một số các xét nghiệm, trắc nghiệm cũng như khám chuyên khoa.

V. DIỄN TIẾN VÀ BIẾN CHỨNG
20 - 30% trẻ sẽ thuyên giảm các triệu chứng ở tuổi thiếu niên. 40% trẻ chịu ảnh hưởng lên khả năng nhận thức, hành vi và các mối quan hệ xung quanh. 30% trẻ dẫn tới những rối loạn hành vi chống đối ở tuổi thanh thiếu niên. Khi trưởng thành, 20% bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn về học tập và những rối loạn tình cảm.


Một số yếu tố được xem là có tác động xấu đến quá trình tiến triển của bệnh, đặc biệt là tác động lên rối loạn hành vi, như: có các rối loạn tâm thần đi kèm, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, tuổi khởi phát (tuổi khởi phát càng sớm tiên lượng càng xấu do quá trình phát triển bị ảnh hưởng càng dài), chỉ số IQ (chỉ số IQ càng cao đồng thời với môi trường giáo dục tốt thì tiên lượng càng tốt)

Nếu không được can thiệp đúng mực của bác sĩ chuyên môn, trẻ ngày càng đối đầu với những khó khăn lớn hơn. Khoảng 1/3 trẻ ADHD có biểu hiện các biến chứng: thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân, trầm cảm, trong đó 25 % sẽ dẫn tới các suy sụp tinh thần, cảm giác cô đơn (do người lớn luôn chỉ trích, bạn bè thì xa lánh), thôi học, những rối loạn hành vi, hội chứng Tourette...

Những trẻ này nhạy cảm đặc biệt với những tác động bên ngoài, do đó dễ có khuynh hướng phạm pháp. Ngoài ra, các tai nạn giao thông, có thai ở tuổi vị thành niên, trình độ học vấn thấp là những vấn đề xảy ra nhiều ở trẻ mang hội chứng này khi bước vào tuổi thanh thiếu niên.

VI. ĐIỀU TRỊ
Đòi hỏi một chế độ điều trị đa phương diện:
1. Thuốc: nhằm điều chỉnh hành vi, cải thiện một phần khả năng chú ý tập trung. (Thuốc đặc trị - Ritalin hiện chưa được lưu hành tại Việt Nam).
2. Phục hồi hành vi tâm thần vận động.
3. Thay đổi môi trường (tác động xã hội qua lại, giấc ngủ, kiểm soát stress, chế độ ăn uống…).
4. Điều trị bổ trợ nếu có biến chứng, bệnh đi kèm.

VII. VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH
Gia đình:

  • Hạn chế hành vi phá hoại của trẻ đến mức có thể, giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân để chúng có thể vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống.
  • Không nên lạm dụng việc thưởng cho trẻ bằng quà, cách này có thể làm hư trẻ. Sự tự ý thức về bản thân mình xuất phát từ kỷ luật tự giác: xem xét các hậu quả do mỗi hành động gây ra và kiểm soát chúng trước khi làm điều đó.
  • Để giúp trẻ đạt được sự kỷ luật tự giác, những người chăm sóc trẻ đòi hỏi phải thấu cảm, kiên nhẫn, yêu thương, nghị lực và dẻo dai. Trước hết phải hiểu rằng để thay đổi những hành vi mạnh mẽ, ngoan cố, bướng bĩnh ở trẻ ADHD là rất khó khăn, bởi vì ta không thể thuyết phục trẻ tự thay đổi hành vi của chúng. Do đó, một số phụ huynh có thể vượt qua, trong khi một số khác thì không.
  • Phụ huynh nên lập ra một danh sách những hành vi ưu tiên mà trẻ cần nên tránh không làm, như: đánh nhau với những đứa trẻ khác hay không chịu thức dậy vào buổi sáng. Một vài hành vi nếu không cảm thấy gây tổn thương phiền hà cho người khác, hoặc thấy nếu chấp nhận được, thì hãy cứ để cho trẻ thực hiện, chẳng hạn như trẻ không chịu mặc gì ngoài áo sơ mi đỏ thì cứ để chúng được toại nguyện.
  • Bố mẹ nên khen thưởng con khi chúng có những hành vi tốt, và thường xuyên can ngăn những hành vi không đúng. Nên có những luật lệ rõ ràng đối với trẻ, tuy nhiên có thể linh động, chẳng hạn như trẻ phải làm bài tập vào buổi tối nhưng có thể cho chúng lựa chọn sau khi chơi game hay sau khi xem tivi rồi mới làm. Và cũng nên nhớ rằng, những lời khen có một tác động rất tích cực đối với trẻ, góp phần tạo hiệu quả cho quá trình điều trị.

Do đó người ta đã nêu ra một số biện pháp giúp cho trẻ ADHD có thể hoàn thành tốt công việc:

  • Chia nhỏ công việc thành những việc đơn giản hơn. Đặt ra thời gian giới hạn và phần thưởng khi hoàn tất mỗi công việc.
  • Mỗi ngày ghi ra những công việc cần phải làm và kế hoạch thực hiện để hoàn tất chúng.
  • Làm việc ở những nơi yên tĩnh, tránh xa các nguồn kích thích (Vd: âm thanh, tiếng ồn, xe cộ hay người qua lại…). Trong một thời điểm chỉ làm một công việc mà thôi, giữa các công việc nên có những khoảng nghỉ ngắn.
  • Viết lại những điều cần nhớ trong quyển sổ tay, viết thông tin khác nhau ở những phần khác nhau như: công việc, cuộc hẹn, số điện thoại. Nên giữ quyển sổ tay này bên mình tất cả mọi lúc.
  • Dán những mẫu giấy nhỏ ghi công việc phải làm ở bất cứ chổ nào trẻ có thể nhìn thấy được, chúng sẽ nhắc nhở trẻ.
  • Cất giữ những thứ giống nhau cùng một nơi.
  • Tạo ra thói quen trong công việc hằng ngày như: lúc nào thì chuẩn bị đi học hoặc làm việc.
  • Tập thể dục, ăn uống điều độ theo chế độ và ngủ đủ giấc.
Xã hội:
Rèn luyện kỹ năng xã hội giúp cho trẻ học được những cách cư xử mới. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách cư xử đúng đắn và thích hợp, chẳng hạn như chờ đợi đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi, yêu cầu sự giúp đỡ hay đáp trả lại sự trêu chọc. Sau đó, trẻ sẽ được thực tập những điều học được. Ngoài ra trẻ sẽ được học cách" đọc" cảm xúc của người khác qua biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói, để từ đó trẻ có sự phản kháng đúng đắn nhất.

VIII. PHÒNG NGỪA
Do các nguyên nhân của bệnh lý này vẫn chưa được xác định chắc chắn, và cũng chưa được hiểu một cách rõ nên vấn đề phòng ngừa là rất khó khăn.

Tuy nhiên, cần tuân theo những khuyến cáo sau đây nhằm hạn chế bệnh:
  • Tránh các chấn thương đầu.
  • Các nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
  • Tránh các nhiễm độc kim loại nặng (đặc biệt là chì).
  • Lưu ý ở phụ nữ có thai không được hút thuốc, không uống rượu, không sử dụng ma túy và tránh tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm...