Friday, February 04, 2011

Kamelot 2007: Phượng hoàng tái sinh với Ghost Opera

Một Black Halo chấn động của năm 2005 dường như vẫn chưa đủ đối với những chàng trai tài năng của ban nhạc Kamelot. Cứ như là một thông lệ, nói đến kamelot là phải hao tốn giấy mực và thậm chí là cả những cuộc tranh cãi, bởi âm nhạc mang chất liệu symphonic power/ progressive của họ quá uyên bác về mặt giai điệu lẫn ca từ. Cứ nhìn như những gì họ đã làm với cơn đại địa chấn the Black halo thì đã rõ, một Faust của Goeth bước vào the black halo đầy uyển chuyển và nhẹ nhàng, hoặc xa hơn có thể kể đến Epica, karma, the fourth legacy…Còn với ghost opera, thì rõ ràng con phượng hoàng Kamelot đã tái sinh một cách ấn tượng.
Bìa đĩa Ghost Opera thật sự ấn tượng với hình ảnh một chiến binh đang kéo nên những tiếng nhạc mê hoặc từ chiếc đàn violon. Từ nơi tiếng đàn phát ra là những giai điệu nảy hồn đến rùng rợn. Tôi có một lời khen cho chủ ý khá khéo léo của Kamelot rằng họ chọn Solitaire – một track nhạc mà từ đầu đến cuối là tiếng violon da diết đến xé lòng để làm track nhạc đầu tiên. Đây là một cách chứng tỏ đẳng cấp và cũng là một cách báo hiệu cũng như một lần nữa khẳng định lại dòng nhạc mà Kamelot theo đuổi: symphonic/ power progressive.

Đó là câu chuyện về thứ âm nhạc mà kamelot theo đuổi. Trở về với một bài hát, ta hãy nói về rule the world – một bài mà ngay từ những nốt nhạc đầu tiên đã báo hiệu cho cả một vùng nhạc hoành tráng phía sau. Còn hoành tráng như thế nào hãy để từng loại nhạc cụ có thể lên tiếng. bởi vì thú thật, ngay giờ phút này đây tôi cũng không biết dùng từ ngữ nào để có thể lột tả hết cảm xúc của mình khi nghe rule the world. Chỉ có thể là 2 từ: “quá tuyệt”!

Không biết có phải quá thiên vị hay không mà tôi luôn dành cho dòng symphonic/ power progressive một vị trí khá quan trọng trong tim. Và càng nể phục hơn ở những ban nhạc tầm cỡ khác như Metallica, Europe, Evergrey, Therion, Haggard…họ đã làm được cái điều mà không phải ban nhạc nào cũng có thể làm được: chơi rock cùng với dàn nhạc giao hưởng. Còn Kamelot thì lại vững vàng tạo một hình ảnh, hay nói đúng hơn là một niềm tin vào sự uyên bác và bền bỉ của nhạc rock. Hãy nghe Ghost opera – track nhạc số 3 cũng là track nhạc cùng tên album để có thể cảm nhận cả một dàn nhạc giao hưởng hoà theo cùng Kamelot. Ai dám nói đó không phải là một dàn giao hưởng? Nhưng cái hay đó là dàn giao hưởng này chỉ có 5 con người.


Một điều đáng chú ý trong album Ghost opera đó là track số 6: Love you to death. Đoạn nhạc dạo đầu và thậm chí ngân nga vang vọng cả bài hát là một chất liệu liêu trai rất Châu Á. Tuy nhiên đó chỉ là cái nền đẹp cho phần biến tông khá bất ngờ ở đoạn giữa.

Nét độc đáo của Love you to death không chỉ dừng lại ở cách phối khí và vận dụng khá khéo léo chất liệu châu Á, mà còn độc đáo ở chổ hiệu chỉnh cường độ cũng như hiệu ứng âm thanh. Hãy cứ tưởng tượng Love you to death như là một con sông, với khúc thượng nguồn có phần dịu dàng thì sau một chuyến hành trình nhất định nào đấy, con sông trở nên lớn hơn với nhiều nhánh hội tụ lại thành một dòng chảy xiết và mãnh liệt để rồi sau đó lại trở về với nét bình lắng và êm dịu…Nhạc của Kamelot như một dòng sông, cũng có thể lắm chứ, không phải là âm nhạc của họ đã ít nhiều đang chảy trong tim của chúng ta ư?

Mourning star lại một lần nữa sử dụng chất liệu châu á, không gian là một tràn những tiếng cầu kinh vang vọng cứ vây bủa và vướng vào đầu óc người nghe để lại đó thứ cảm giác mơ hồ đến lạ lùng. Tuy nhiên đó chỉ là một cách để “dạo đầu” có sáng tạo của kamelot thôi. Cái chính là đoạn nhạc hùng hồn tiếp theo sau. Roy Khan vẫn thể hiện là một ca sĩ tuyệt vời. hình như trong bất cứ hoàn cảnh nào giọng anh cũng có khả năng biến chuyển tinh tế như thế. Tuy nhiên cũng phải nhắc đến thủ lĩnh Thomas Youngblood, câu guitar của anh trong Ghost opera vẫn đẹp hoành tráng và đỉnh đạc, không thiếu những câu solo có hồn!

Tiếng vọng từ cõi cực lạc “eden echo” được thể hiện như những gì cái tên đã nói. Tiếng piano dìu dặt đoạn đầu tiên phong dẫn lối cho thuớc nhạc phía sau, tiếng hát vang vọng mơ hồ của Roy Khan cứ như nhỏ giọt vào tâm hồn, vào trí óc, và cứ thuận theo tự nhiên, ta lại đáp trả cho những thổn thức của ban nhạc, của tinh thần bài hát bằng chính thổn thức của ta. Có khi thổn thức mà ta mua đó là một câu hát, một đoạnm cao trào hay chỉ là một nhịp trống, một câu solo. Nhưng với eden echo, sự đáp trả hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực mà kamelot mang lại.

Nếu coi progressive là một dòng nhạc bác học và khó chơi trong các dòng nhánh khác của rock thì nhận định này hoàn toàn không sai. Và một trong những cái hay của progressive là sự chuyển đổi nhịp khá phức tạp trong cùng một bài hát. Nhưng trong edenecho có một chỗ chuyển nhịp khá dễ thương với điệu valse quen thuộc, chỉ kéo dài vài giây nhưng cũng đủ làm một nốt duyên nho nhỏ trong toàn eden echo.

“how, how come I want you…”

Để nói về ghost opera như vậy chắc có lẽ vẫn chưa đủ. Nhưng chúng ta sẽ vẫn còn nhiều dịp để nói thêm về Kamelot. Như vậy hoá ra lại hay bởi p sẽ còn có thêm nhiều dịp để có thể cùng các bạn nói sâu thêm về Kamelot. Còn Ghost opera, hãy cứ nhắm mắt tận hưởng và để cho trí tưởng tượng, sự cảm thụ của các bạn trải rộng trong âm nhạc.