Monday, December 10, 2012

Tin vắn y học tháng 12 - 2012

1. Da tay cho biết độ tuổi

Theo tiến sĩ, bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng Scott Zevon (tại New York), qua làn da trên bàn tay ta có thể biết được gần như chính xác độ tuổi của một người, chỉ cần lưu ý vào một số điểm:

- Tàn nhang: Tay là nơi thường xuyên phải chịu những tác động của các yếu tố khác nhau nên dù là một người phụ nữ thường xuyên sử dụng kem bôi tay thì trên tay họ cũng sẽ xuất hiện tàn nhang. Và càng lớn tuổi thì tàn nhang càng nhiều.

- Làn da nhợt nhạt: Theo thời gian làn da sẽ dần trở nên mỏng hơn đặc biệt là da ở bàn tay bởi vì chúng không có nhiều mô mỡ. Nên nếu không có dụng cụ bơm đặc biệt ở các trung tâm thẩm mỹ thì da sẽ ngày càng mờ và nhợt nhạt hơn.

- Nếp nhăn: Nếp nhăn là dấu hiệu rõ ràng nhất của sự lão hóa. Da tay luôn cần độ ẩm hơn so với các bộ phận khác của cơ thể, bởi vì tay thường xuyên phải tiếp xúc với nước dẫn đến khô và hình thành các nếp nhăn.

- Chảy xệ: Khi thiếu sự giúp đỡ của các mô khoẻ mạnh cần thiết thì làn da mỏng manh sẽ bắt đầu có dấu hiệu chảy xệ. Làn da không còn căng mịn chính là một dấu hiệu chắc chắn của sự lão hoá.

Các đường tĩnh mạch cũng như gân và xương theo thời gian sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết dưới lớp da tay.
2. Dầu cá chữa lành vết lở loét

Lở loét do tì đè là hậu quả của việc chèn ép liên tục lên da và các mô phía dưới do ngồi hoặc nằm lâu ở những bệnh nhân này.

Giáo sư Pierre Singer thuộc Khoa Y Sackler của Trường đại học Tel Aviv cho biết do đau và hay nhiễm trùng nên những vết lở loét này cần phải được chữa lành.

Giáo sư Singer cùng tiến sĩ Miriam Theilla từ Trung tâm y tế Rabin đã thiết kế một thử nghiệm ngẫu hóa để xem xét sự tác động của việc bổ sung dầu cá từ chế độ ăn lên các vết lở loét do tì đè.

Kết quả nghiên cứu trước đây đã cho thấy bổ sung dầu cá trong chế độ ăn làm tăng nồng độ ôxy trong các mô của cơ thể, do đó giáo sư Singer và các đồng nghiệp muốn xác định liệu việc bổ sung này có giúp chữa lành vết lở loét do tì đè hay không. Những tổn thương này được hình thành do thiếu ôxy, giảm lưu lượng máu và ướt da.

Để kiểm tra giả thiết, các tác giả đã triển khai một nghiên cứu ngẫu hóa với 40 bệnh nhân mắc bệnh nặng. Một nửa số bệnh nhân được dùng chế độ ăn chuẩn của bệnh viện, nửa còn lại hàng ngày được thêm 8g dầu cá vào thực phẩm của họ.

Sau 3 tuần, những bệnh nhân ở nhóm dùng dầu cá không chỉ cải thiện trung bình 20-25% việc lành vết lở loét do tì đè so với nhóm chứng, mà còn có hệ miễn dịch hiệu quả hơn và giảm viêm nhiễm trên toàn cơ thể.

Dầu cá - rất giàu các acid omega-3 và chất chống ôxy hóa - cũng giúp hạ huyết áp, giảm viêm da và khớp, thúc đẩy sự phát triển bào thai khỏe mạnh.
3. Nước ấm giảm mỏi mắt

Trong sinh hoạt hàng ngày, cách đơn giản nhất để giảm mỏi mắt do làm việc căng thẳng là lấy nước ấm dưới vòi sen xối lên vùng mắt khi tắm.

Đại học Chiba, Nhật Bản kết hợp cùng một viện nghiên cứu đã phát hiện ra, dùng nước ấm 42oC xối lên vùng mắt và da xung quanh, massage trong khoảng 6 phút có thể cải thiện thị lực, giúp xua tan tình trạng lao lực mắt một cách hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu cho những người tham gia đọc những đoạn chữ nhỏ trên máy tính, sau 20 phút, kiểm tra thị lực cho thấy thị lực bình quân của họ đều đã giảm 0,15 độ, đồng thời mắt cũng xuất hiện trạng thái mơ hồ. Ngay lập tức xối nước ấm vào vùng mắt một số đối tượng, nhóm 1 là nước ở nhiệt độ 42oC, nhóm 2 là 32oC, sau đó tiếp tục so sánh thị lực. Kết quả cho thấy, so với nhóm 2, thị lực của những người ở nhóm 1 không chỉ được khôi phục như bình thường mà đôi mắt cũng lấy lại linh hoạt nhanh chóng. Số đối tượng còn lại không dùng nước ấm massage mắt, thì thị lực phục hồi chậm nhất.

Chuyên gia cho biết, có thể dùng một chiếc khăn thấm nước ấm khoảng 40oC phủ lên vùng mắt và dùng tay tạo những áp lực đều và nhẹ trong 6 phút để mắt được thư giãn, hết mệt mỏi.
4. Thuốc tiểu đường chữa ung thư buồng trứng

Các nhà khoa học ở Bệnh viện Mayo, thành phố Rochester, bang Minnesota (Mỹ), đã thực hiện một cuộc nghiên cứu mới tác dụng của thuốc Metformin đối với bệnh nhân ung thư buồng trứng với kết quả đáng khích lệ.

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh hiểm nghèo với đặc điểm “chết người” là chỉ có thể phát hiện khi nó đã di căn đến các tạng khác. Nghĩa là quá trễ để có thể chữa trị một cách hiệu quả, do đó bệnh nhân thường không sống quá 5 năm sau chẩn đoán.

Đầu năm nay, có nghiên cứu cho biết, Metformin, loại thuốc chữa bệnh tiểu đường týp 2 thông dụng và rẻ tiền nhất ở Mỹ, giúp giảm phát triển ung thư buồng trứng.

Một cuộc nghiên cứu ở bệnh viện Mayo vừa được trình bày trực tuyến trên Cancer ngày 3/12 cho hay, nếu dùng thuốc Metformin, bệnh nhân ung thư buồng trứng bị tiểu đường sống lâu hơn bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường và không uống thuốc Metformin. Với 230 bệnh nhân vừa uống thuốc Metformin vừa được hóa trị tham gia nghiên cứu, kết quả cho thấy có đến 67% sống sót quá 5 năm sau chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi đó, chỉ 47% trong số 178 bệnh nhân tham gia nghiên cứu không dùng Metformin sống được hơn 5 năm.

Nếu tính cả yếu tố BMI (chỉ số đánh giá độ béo phì) và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư buồng trứng, nghiên cứu còn cho thấy, nếu dùng thuốc Metformin, khả năng sống sót của những người không uống Metformin cao hơn đến 4 lần.

Nữ bác sĩ Viji Shridhar, trưởng nhóm nghiên cứu ở Bệnh viện Mayo, là chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu tính chất kháng ung thư của Metformin. Bà Shridhar đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực này với chuột. Cuộc nghiên cứu nói trên là nỗ lực mới nhất của bà.

Giải thích tại sao Metformin có tác dụng tốt với bệnh ung thư buồng trứng, bà tin rằng thuốc Metformin làm các tế bào ung thư này thiếu năng lượng để phát triển - cụ thể là đường glucose - cho nên không thể phát triển.

Theo bác sĩ Sanjeev Kumar, một trong nhóm nghiên cứu ở Bệnh viện Mayo, cho biết thêm sở dĩ Metformin có tác dụng tốt vì nó rất an toàn so với các thuốc trị bệnh tiểu đường týp 2 khác. Nhờ giá rẻ, an toàn Metformin có mặt ở thị trường Mỹ từ năm 1995 đã được kê đơn rộng rãi lâu nay.
5. Clo khử trùng nước máy gây dị ứng

Clo - chất khử trùng quen thuộc trong nước máy - dường như là thủ phạm làm gia tăng số người dị ứng thức ăn hiện nay, một nghiên cứu vừa tiết lộ.

Ngoài để khử trùng nước máy, hóa chất này còn có mặt trong nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc các đồ gia dụng thông thường.

Trong một nghiên cứu trên hơn 2.200 người Mỹ trưởng thành có dichlorophenol (một sản phẩm phụ của clo) trong nước tiểu, 411 người bị dị ứng thức ăn, trong khi hơn 1.000 người bị dị ứng với môi trường.

Cụ thể, người có dichlorophenol trong nước tiểu thì có nguy cơ dị ứng thức ăn cao hơn 80% bình thường.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí American College of Allergy, Asthma and Immunology kết luận: "Việc sử dụng quá mức dichlorophenols có thể đã góp phần làm gia tăng số ca dị ứng thức ăn trong xã hội phương Tây".

Dạng dị ứng này đang gia tăng tại Anh nói riêng và nhiều nước nói chung trong các năm gần đây, khiến người ta không thể ăn được đa dạng thực phẩm, từ sữa, lạc, đậu nành, trứng, mù tạc... Dị ứng thức ăn cũng có thể biểu hiện dưới dạng phản ứng đột ngột gây đe dọa tính mạng, còn gọi là phản ứng quá mẫn, như chàm (eczema) hay cơn ngứa cấp tính.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này là cảnh báo về việc sử dụng hàm lượng clo quá cao để khử trùng nước, gây nguy cơ đối với sức khỏe người dùng.
6. Lợi khuẩn Probiotics hỗ trợ kiểm soát cholesterol

Một nghiên cứu lâm sàng mới đây dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Mitchel Jones từ Đại học McGill, Canada cho thấy việc bổ sung lợi khuẩn Probiotics mỗi ngày giúp con người giảm thiểu tổng lượng cholesterol trong cơ thể.

Theo kết quả nghiên cứu vừa được trình bày tại Hiệp hội Khoa học Tim mạch Mỹ (American Heart Assocaition’s Scientific Sessions) năm 2012, lợi khuẩn Lactobacillus reuteri NCIMB 30242 không những có thể làm giảm lượng cholesterol "xấu" mà còn giảm lượng cholesterol toàn phần trong cơ thể. Phát hiện cho rằng chủng lợi khuẩn này rất có lợi trong việc ngăn ngừa việc tích tụ và hình thành các mảng choleterol trên thành động mạch, nguyên nhân dẫn tới xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch.

Tiến sĩ Mitchell Jones đến từ Đại học McGill, Canada, cùng các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành phân tích, tìm hiểu tác dụng của L. reuteri NCIMB 30242 trong việc làm giảm nồng độ LDL (low-density lipoprotein) cholesterol trong máu sau khi nghiên cứu thí điểm ban đầu cho kết quả khả quan.

Tiến sĩ Jones - người đồng sáng lập và cũng là giám đốc khoa học của Micropharma, công ty đã phát triển thành công chủng lợi khuẩn mới này - tiết lộ, những người được bổ sung lợi khuẩn này sau 9 tuần có mật độ LDL cholesterol thấp hơn 11,6% so với những người không được bổ sung. Không những thế, cholesterol ester còn giảm đến 6,3% và cholesterol ester làm bão hòa acid béo cũng giảm 8,8%.

Ông Jones cũng nhấn mạnh, lần đầu tiên một nghiên cứu cho thấy chủng lợi khuẩn có khả năng hạ thấp lượng cholesterol ester, đặc biệt là các cholesterol ester có liên kết với các acid béo bão hòa trong máu. Công trình nghiên cứu được tài trợ bởi Micropharma - đơn vị sở hữu Quyền sở hữu trí tuệ cho việc phát hiện và phát triển chủng lợi khuẩn này.

Cách thức tiến hành nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu theo dõi nồng độ cholesterol trong máu của 127 bệnh nhân trưởng thành mắc triệu chứng cholesterol cao. Một nửa trong số đó được thử nghiệm bổ sung lợi khuẩn hàng ngày, số còn lại được dùng giả dược (thuốc chỉ có tác dụng trấn yên bệnh nhân, không có tác dụng thật sự về mặt y dược).

Kết quả cho thấy, chỉ cần 200mg lợi khuẩn mỗi ngày là có thể phát huy tác dụng rõ rệt, thấp hơn nhiều so với việc sử dụng chất xơ hòa tan hay bất kỳ sản phẩm tự nhiên nào khác để hạ cholesterol. Tiến sĩ Jones cho biết: "Đa số sản phẩm dùng để kiểm soát hoặc làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể đòi hỏi liều lượng sử dụng từ 2-25g mỗi ngày".

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vì cuộc nghiên cứu này chỉ dựa trên một số lượng nhỏ người tham gia thử nghiệm, vì vậy tác dụng thực sự của lợi khuẩn hay sự khác biệt về hiệu quả xét về mặt giới tính nam và nữ hoặc các vùng dân tộc, lãnh thổ khác nhau vẫn cần được nghiên cứu thêm.
7. Ngủ sớm 1 giờ giúp “hạ huyết áp chỉ sau 6 tuần”

Thiếu ngủ là nguy cơ gia tăng tình trạng cao huyết áp.

Theo các nhà nghiên cứu, những người có huyết áp chớm tăng cao có thể phục hồi về mức bình thường, chỉ bằng cách ngủ sớm hơn 1 giờ mỗi ngày.

Nghiên cứu, thực hiện tại Trường Y Harvard, Mỹ, đã tìm hiểu 22 người đàn ông và phụ nữ thường xuyên chỉ ngủ 7 giờ hoặc ít hơn mỗi đêm, và bắt đầu chớm sang ngưỡng huyết áp cao, có nguy cơ "vào vùng nguy hiểm".

Trong vòng 6 tuần, 13 người trong nhóm một được yêu cầu lên giường sớm hơn 1 giờ so với mọi khi. Nhóm còn lại giữ lịch đi ngủ như bình thường. Tất cả họ được gắn monitor để theo dõi huyết áp, nước tiểu.

Kết quả cho thấy, nhóm lên giường sớm hơn ngủ được thêm ít nhất 35 phút mỗi tối. Kéo theo đó, huyết áp trung bình của họ hạ xuống đáng kể từ 8-14mmHg.

Nói về phát hiện này, nhóm nghiên cứu cho rằng việc ngủ thêm cần sớm được đưa vào như một cách trị liệu để làm giảm huyết áp.

Thiếu ngủ và lối sống áp lực từ lâu được xem là nguy cơ gia tăng tình trạng cao huyết áp. Tuy nhiên, nghiên cứu này là công trình đầu tiên chứng minh rằng có thể đưa huyết áp về mức kiểm soát, chỉ đơn giản bắng cách đi ngủ sớm.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Journal of Sleep Research.
8. Tinh dầu thơm không tốt cho tim

Liệu pháp hương thơm từ việc đốt tinh dầu được biết giúp cơ thể thư giãn. Tuy nhiên, nếu bạn ở trong không gian có hương tinh dầu quá lâu có thể không tốt cho tim.

Theo báo cáo của tạp chí My Health Daily News (Anh), trong một nghiên cứu, các nhà khoa học Đài Loan đã kiểm tra 100 công nhân ngồi và hít thở hương liệu dầu bergamot (chiết xuất từ cam quýt) tỏa ra trong một phòng spa ở Đài Bắc.

Suốt 2 giờ, các công nhân này ngồi thư giãn và hít thở mùi hương liệu trong phòng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra huyết áp, nhịp tim của họ, cũng như các thành phần trong không khí.

Trong giờ đầu tiên, các nhà khoa học nhận thấy huyết áp và nhịp tim của người tham gia nghiên cứu có chiều hướng giảm. Điều này chứng minh rằng liệu pháp mùi hương có tác dụng giúp giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, sau 2 giờ, các tác động của dầu thơm đã làm đảo ngược kết quả trước đó. Huyết áp và nhịp tim thực sự tăng lên cùng với lượng dầu thơm được hít vào trong số những người tham gia.

Trong báo cáo viết trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology (châu Âu), các nhà nghiên cứu kết luận: "Nghiên cứu này chứng minh rằng việc hít thở mùi hương liệu trong thời gian quá lâu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch".

Tóm lại, bất cứ điều gì vượt quá mức cho phép đều không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, không nên hít thở hương liệu thời gian quá lâu nếu bạn có ý định giảm căng thẳng.
9. Mụn trứng cá ở phụ nữ - dấu hiệu rối loạn hormon

Các chuyên gia cho biết mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành là rất phổ biến, nhưng ở một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của một rối loạn hormon ẩn dưới.

Tiến sĩ Kanade Shinkai - chuyên gia điều trị mụn trứng cá, nhà da liễu học thuộc Trường Y San Francisco, Đại học California - cho biết, việc phát hiện những trường hợp này là rất quan trọng, không chỉ điều trị tốt hơn mụn trứng cá của phụ nữ mà còn điều chỉnh mất cân bằng hormon có thể dẫn tới các rối loạn sức khỏe khác.

Tuy nhiên, các bác sĩ thường đơn giản hóa việc kê đơn điều trị mụn trứng cá cho phụ nữ, như cho dùng kháng sinh - không có tác dụng đối với mụn trứng cá do mất cân bằng hormon.

Điều quan trọng là các bác sĩ da liễu phải tìm hiểu kỹ tiền sử bệnh tật của bệnh nhân để họ có thể phát hiện những rối loạn hormon có biểu hiện mụn trứng cá.

Mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành thường khó điều trị. Một nghiên cứu cho thấy 80% số phụ nữ được kê đơn kháng sinh để điều trị mụn trứng cá đã không được lợi gì từ việc dùng thuốc. Trong những trường hợp này, mụn trứng cá có thể là do thay đổi hormon bình thường, như mụn trứng cá xuất hiện trong chu kỳ kinh hoặc do rối loạn hormon thực sự. Với nhiều phụ nữ, dùng thuốc nhắm vào hormon hơn là vào vi khuẩn trên da có thể có nhiều lợi ích nhất.

Phụ nữ bị mụn trứng cá tăng nồng độ hormon nam (như testosteron). Các triệu chứng của mất cân bằng hormon bao gồm mọc râu, giọng trầm, tăng khối cơ và giảm kích thước bầu ngực.

Nguyên nhân hay gặp nhất của loại thay đổi hormon này là hội chứng buồng trứng đa nang. Những phụ nữ có nghi ngờ bị rối loạn hormon này có thể được chẩn đoán qua kiểm tra việc tăng nồng độ hormon nam trong máu, hoặc ở những trường hợp hội chứng buồng trứng đa nang thì được siêu âm buồng trứng.

Nếu phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc bị loại mất cân bằng hormon khác, thì điều trị rối loạn hormon sẽ giúp giảm thiểu mụn trứng cá.

Tiến sĩ Shinkai đã kê đơn thuốc tránh thai cho những bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang để giảm nồng độ hormon nam. Nếu không thấy tác dụng thì sẽ người bệnh sẽ được dùng thêm spironolactone.

Nếu không được điều trị, mất cân bằng hormon liên quan với hội chứng buồng trứng đa nang có thể khiến người phụ nữ tăng nguy cơ bị ung thư, cũng như bệnh tiểu đường và béo phì.

Thuốc tránh thai và spironolactone cũng rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mụn trứng cá ngay cả khi người phụ nữ không bị rối loạn hormon.
10. Trang điểm hại trí não

Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ dựa trên 22 nhãn hiệu son môi cho thấy rằng 55% các loại son có chứa chì gây hại cho sức khỏe người sử dụng, đặc biệt ảnh hưởng đến trí não.

Các tổ chức hợp tác giữa các phòng thí nghiệm đã tiết lộ: 12/22 mẫu son môi được xét nghiệm dương tính với chất chì độc hại, tỉ lệ chì lên đến 3,22/triệu.

Tiến sĩ Sean Palfrey, giám đốc y tế Chương trình phòng chống ngộ độc chì Boston, cảnh báo rằng ngay cả khi mức chì trong mỹ phẩm ở mức thấp nhất, sức khỏe thể chất và tinh thần của con người vẫn bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông nói: “Ngay cả khi chì ở mức thấp nhất, nó vẫn có thể làm hại đến IQ, hành vi và khả năng học hỏi của bạn”. Giới khoa học cũng nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em và phụ nữ mang thai tránh xa chất độc này.

Hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể từ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) về thành phần son môi. Đơn vị nghiên cứu cũng từ chối tiết lộ tên tuổi của 12 loại son môi được thử nghiệm, chỉ cho biết họ đã chọn ngẫu nhiên hàng loạt mỹ phẩm từ các cửa hàng và nhà thuốc ở Mỹ.

Các nhà sản xuất vốn không cố ý đưa chì vào son môi, nhưng trong thành phần tạo màu cho son chứa hàm lượng chì tự nhiên được tìm thấy trong đất, nước và không khí.

Ông Janet Nudelman thuộc Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn, nhấn mạnh: “Hơn một nửa số son môi chứa chì độc hại, nhưng nửa còn lại vẫn an toàn. Điều này chứng tỏ người ta hoàn toàn có thể sản xuất một thỏi son không chì”.

Một nghiên cứu năm 2010 của FDA cho thấy tỉ lệ chì cao nhất trong son môi là 7 phần triệu. Một khảo sát đầu năm nay cho thấy 400 màu son nổi tiếng chứa chì độc hại, trong đó có các tên tuổi nổi tiếng như L’Oreal, Maybelline, Cover Girl, NARS, Stargazer…
11. Lutein và khả năng hỗ trợ phát triển trí não

Những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực dinh dưỡng nhi khoa tại Mỹ cho thấy sự hiện diện ở nồng độ cao của lutein trong não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là ở 4 vùng não liên quan đến chức năng ngôn ngữ, trí nhớ, nghe và nhìn của trẻ. Vì vậy, các mẹ cần chú ý bổ sung để giúp trẻ tăng cường khả năng nhận thức, học hỏi và ghi nhớ,nhất là ở giai đoạn từ 0-3 tuổi.

Lutein là gì

Lutein thoạt đầu nghe có vẻ khá xa lạ đối với nhiều bà mẹ, nhưng thật sự là hợp chất carotenoid tồn tại nhiều nhất trong não và điểm vàng của mắt.

Carotenoid là một nhóm các sắc tố thực vật rất phổ biến trong tự nhiên, như rau, trái có màu xanh đậm, đỏ, cam, một số loại củ quả và lòng đỏ trứng gà.

Chúng cần thiết cho quá trình quang hợp của thực vật, đồng thời là tiền chất của vitamin A. Carotenoid đóng vai trò là chất chống ôxy hóa, cũng như là một thành phần thiết yếu cấu tạo nên cơ thể người.

Đối với người lớn, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc hấp thu đầy đủ lutein giúp cải thiện khả năng nhận thức và trí nhớ, đồng thời giảm được nguy cơ về bệnh tim mạch, cholestorol trong máu, tác hại của ánh năng mặt trời lên da… và một số bệnh lý khác.

Theo báo cáo khoa học của PGS.TS. Elizabeth J. Johnson, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Jean Mayer, Đại học Tufts Boston, Hoa Kỳ, lutein không chỉ tập trung nhiều nhất ở điểm vàng của mắt mà còn chiếm đến 66-77% lượng carotenoid hình thành nên cấu trúc não.

Các thử nghiệm lâm sàng của TS. Elizabeth cho thấy những người lớn tuổi ăn nhiều thực phẩm giàu lutein có khả năng nhận thức cao hơn những trường hợp ngược lại.

Qua kết quả nghiên cứu, những người có lượng lutein trong não và mắt càng cao thì khả năng ngôn ngữ, học tập, trí nhớ … càng tốt. Điều này cho thấy lutein không chỉ đóng vai trò chính yếu đối với mắt, mà còn tăng cường khả năng nhận thức suốt quá trình trưởng thành và phát triển.

Báo cáo nghiên cứu của PGS.TS. Elizabeth cũng cho thấy sự vượt trội của hàm lượng lutein trong số các caroteroid hiện diện ở não trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Với tỉ lệ hiện diện của lutein chiếm đến 59%, lutein không chỉ giúp trẻ có đôi mắt sáng, khỏe mạnh mà nhiều khả năng còn có tác động tích cực đến các chức năng nhận thức, học hỏi và ghi nhớ của trẻ.

Não trẻ hoàn thiện đến 75% trong những năm đầu đời, trong đó 80% lượng thông tin nhận được giúp não phát triển là thông qua thị giác.

Nếu trẻ không được bổ sung lutein, sự phát triển thị giác của trẻ sẽ không được tối ưu, võng mạc của mắt bé cũng dễ bị tổn thương do thiếu sắc tố caroteroid thiết yếu, dẫn đến suy giảm khả năng tiếp nhận thông tin qua mắt.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lutein có thể cũng làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ trong những năm đầu đời.

Thực phẩm nào giàu lutein?

Lutein là một dưỡng chất mà cơ thể người không tự tổng hợp được mà cầnphải bổ sung từ thực phẩm hàng ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể nhận lutein qua sữa mẹ hoặc thức ăn dặm khi lớn lên.

Theo nhiều nghiên cứu, lutein khá dồi dào trong sữa mẹ, nhưng lại chỉ mang đến hiệu quả tối ưu vào tháng đầu tiên sau khi sinh.

Lượng lutein trong sữa mẹ chỉ còn khoảng 50% sau 1 tháng cho con bú, và giảm dần sau đó.

Khi bé có thể ăn dặm, mẹ nên chú ý bổ sung rau củ quả có chứa lutein trong khẩu phần ăn, như rau có màu xanh đậm (bó xôi, cải, xúp lơ xanh…), các loại củ quả như bắp ngô, ớt chuông đỏ, cà rốt, quả bơ, quả kiwi, hay lòng đỏ trứng gà… Các thực phẩm thay thế như sữa công thức có chứa lutein hay thực phẩm ăn dặm, ăn kèm có bổ sung lutein cũng là biện pháp tối ưu cho trẻ nhỏ.
12. Tạo tế bào gốc từ máu

Đây được xem là cách dễ dàng và an toàn nhất để thu được tế bào gốc.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại Đại học Cambridge được công bố trên tạp chí Stem Cells cho thấy khả năng dùng máu của chính bệnh nhân để tạo thành tế bào gốc.

Nhóm nghiên cứu quan sát dạng tế bào có khả năng chữa lành những tổn hại ở thành mạch máu, sau đó biến chúng thành tế bào gốc. Tiến sĩ Amer Rana nói: “Chúng tôi rất phấn khởi vì đã phát triển phương thức thiết thực và hữu hiệu nhằm tạo tế bào gốc từ một loại tế bào trong máu”. Ông Rana cho rằng cách làm này tốt hơn việc lấy mẫu tế bào gốc từ da.

Tế bào gốc là niềm hy vọng lớn của y khoa hiện đại vì chúng có thể biến thành mọi loại tế bào trong cơ thể. Do đó, tế bào gốc có khả năng chữa lành nhiều bệnh tật từ não đến tim, từ mắt đến xương… Ngoài phương pháp lấy từ da, nguồn tế bào gốc từ phôi người bị cho là dễ dẫn đến nguy cơ đào thải và gây tranh cãi về vấn đề y đức.
13. Thuốc chống ký sinh trùng có thể trị bệnh lao

Một nghiên cứu tại Canada cho thấy thuốc được dùng để điều trị các bệnh ký sinh trùng có khả năng đáng ngạc nhiên như một liệu pháp điều trị bệnh lao.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học trường Đại học British Columbia thực hiện và được đăng trực tuyến trên tạp chí Antimicrobial Agents and Chemotherapy.

Avermectin thường được dùng ở các nước đang phát triển để loại bỏ giun ký sinh gây mù và bệnh chân voi, nhưng người ta tin rằng nó không có tác dụng chống lại tất cả các vi khuẩn.

Tuy nhiên, trong những thử nghiệm trong ống nghiệm về họ thuốc avermectin, các tác giả thấy rằng thuốc thực sự tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh lao, kể cả những thể lao kháng thuốc. Họ tin rằng kết quả này làm tăng thêm khả năng tìm kiếm những thuốc mới được phê chuẩn hoặc kết hợp thuốc đồng vận.

Nghiên cứu thêm là rất cần thiết để đánh giá ứng dụng lâm sàng của thuốc trong điều trị bệnh lao, và hiện nay các tác giả đang làm việc trên mô hình động vật nhằm xác định liều lượng thuốc và phác đồ hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện bệnh lao đứng hàng thứ 2 về tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, gây ra gần 1,7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
14. Thai phụ nên uống đa sinh tố bổ sung

Vitamin bổ sung đóng góp vai trò quan trọng ở đất nước đang phát triển, nơi thực phẩm chưa phong phú và chế độ ăn còn thiếu dinh dưỡng. Nghiên cứu này được quan sát trên tác động của đa sinh tố ở 400 thai phụ thiếu vitamin và khoáng chất, do Viện dinh dưỡng Anh, Đại học Metropolitan London và Bệnh viện Đại học Homerton thực hiện.

Trong 12 tuần đầu mang thai, một nửa số thai phụ trên được uống viên Pregnacare, chứa 19 loại vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, acid folic và vitamin D. Một nửa còn lại sẽ uống những viên thuốc toàn tinh bột. Sau khi sinh con, các bác sĩ nhận thấy nhóm các bà mẹ uống vitamin bổ sung có hàm lượng sắt, folat, thiamin và vitamin D cao hơn. Mặc dù mức độ sắt ở cả 2 nhóm đều thiếu nhưng ở nhóm uống giả dược là 55% so với nhóm uống đa sinh tố bổ sung chỉ là 36%.

Phát hiện lớn là thai phụ uống vitamin ít sinh con nhẹ cân hơn. Cụ thể, chỉ có 8 trong 88 trẻ nhẹ cân được sinh ra từ những bà mẹ uống vitamin. Còn tỷ lệ trẻ nhẹ cân là con của bà mẹ uống giả dược là 13/61. Những phụ nữ uống đa sinh tố đã sinh con có cân nặng hơn mức trung bình là 500g.

Chuyên gia sản phụ khoa Pat O’Brien, Đại học London, cho biết: "Những gì diễn ra trong tử cung sẽ lập trình phần nào cuộc đời đứa trẻ". Trẻ nhẹ cân khi sinh ra sẽ gặp nhiều vấn đề về hô hấp và chứng vàng da hơn bé bình thường. Khi lớn lên, các em đó còn dễ béo phì, tiểu đường, nhồi máu cơ tim và đột quỵ hơn.

Ngoài ra, mẹ ít uống vitamin, con còn dễ bị tự kỷ. Một nghiên cứu khác của các bác sĩ trường Đại học UC Davis, Mỹ cho thấy, những phụ nữ ít uống vitamin bổ sung trước và trong thời kỳ mang thai thì tỷ lệ sinh con dễ mắc bệnh tự kỷ gấp 2 lần so với người khác.

Kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh: các bà mẹ không dùng vitamin sẽ gặp nguy cơ sinh con mắc chứng tự kỷ gấp từ 2-7 lần so với những phụ nữ chú trọng bổ sung các loại vitamin trước và trong khi mang thai.

Thành viên tham gia nghiên cứu, phó giáo sư Rebecca J. Schmidt, thuộc khoa Khoa học y tế cộng đồng, Trường Y, Đại học UC Davis, Mỹ cho biết "Ba tháng trước khi mang thai và ba tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu không bổ sung vitamin, trẻ sinh ra có xu hướng phát triển chậm hơn".

Phát hiện này được xem là bước tiến mạnh mẽ, đồng thời là lời cảnh báo cho tất cả phụ nữ cần chú trọng bảo vệ chăm sóc sức khỏe hơn để giảm bớt tỷ lệ trẻ tự kỷ đang ngày càng tăng lên.

Các nhà nghiên cứu chỉ rõ, acid folic hay vitamin B9 và vitamin B khác là những vitamin nên bổ sung trước khi sinh, có tác dụng ngăn sự thiếu hụt trong phát triển não của thai nhi và bảo vệ não bé sau này. Trong đó, acid folic được xem là chất bổ sung quan trọng để phát triển dây thần kinh và ngăn ngừa đến 70% các khuyết tật có thể xảy ra với ống thần kinh.

Kết quả của công trình nghiên cứu này rất khả quan, vì việc bổ sung thêm vitamin ở phụ nữ rất dễ nhân rộng, không quá tốn kém, có thể áp dụng trong thai kỳ, hay ngay từ lúc mới kết hôn, thậm chí khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai.
15. Muốn tránh cúm, đừng sờ lên mặt

Để tránh cúm, rửa tay thường xuyên không đủ. Nghiên cứu mới cho thấy chúng ta tự "cấy" vi khuẩn, virus vào cơ thể bằng cách sờ tay vào miệng, mũi sau khi đã chạm vào các bề mặt bẩn.

Nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện Sức khỏe quốc gia tại Bethesda, Maryland (Mỹ) cho biết, rất ít người nhận ra việc thường xuyên đưa tay chạm vào mặt có thể khiến họ bị ốm.

Tiến sĩ Wladimir Alonso, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết "Giữa những lần rửa tay có nhiều cơ hội để người ta tái làm bẩn bàn tay mình. Và khi đó, nếu có một loại virus gây bệnh hô hấp nguy hiểm ở xung quanh thì sẽ rất đáng ngại".

Ông chỉ ra ví dụ đại dịch cúm 2009, việc thiếu hiểu biết về cách tự làm lây bệnh dẫn đến sự lây lan nhanh chóng.

Alonso và các đồng nghiệp đã lựa chọn ngẫu nhiên 249 người ở nơi công cộng tại tàu điện ngầm ở Washington DC (Mỹ) và thành phố Florianopolis của Brazil. Các nhà nghiên cứu quan sát và ghi nhận mức độ thường xuyên chạm vào các bề mặt dùng chung và sờ lên miệng, mũi của những người tham gia. Họ thấy rằng những người này sờ lên mặt trung bình 2,6 lần/giờ và chạm vào các bề mặt dùng chung 3,3 lần/giờ.

Tỷ lệ này có nghĩa là người ta thường đưa vi khuẩn từ tay tới các bộ phận khác trên cơ thể thường xuyên hơn số lần rửa vi khuẩn khỏi tay.

Theo nghiên cứu, các khuyến cáo dành cho cộng đồng thường nhấn mạnh đến việc rửa tay, nhưng trong thời điểm nguy cơ cao bùng phát bệnh dịch nghiêm trọng, những thông điệp này cần phải được sửa đổi để mọi người hiểu cơ chế tự lây nhiễm mầm bệnh và tránh sờ lên mặt của họ.

Dù vậy, nhóm tác giả nghiên cứu cũng cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng về khả năng mắc bệnh. Hệ thống miễn dịch của mỗi người đã cung cấp một hàng rào bảo vệ trước bệnh tật. Vấn đề là, mỗi người cần nhận thức được khả năng tái nhiễm khuẩn có thể xảy ra rất nhanh sau khi rửa tay.

Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases.