Đây cũng là một tuyệt phẩm ưa thích, một tác nhân hành hạ tâm hồn (hehe) mỗi khi cần xoa dịu lỗ tai sau nghe rock (haha). Và mình thường hay nghe thần tượng John Williams chơi:
Đôi điều về tác phẩm này của Joaquin Rodrigo (1901-1999):
(Nguồn: guitar.vn)Âm nhạc của Joaquin Rodrigo thấm đượm chất nhạc và văn hóa của quê hương Tây Ban Nha, từ âm nhạc thời Baroque nơi những nhà thờ cổ kính cho đến những làn điệu dân ca, và các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn guitar. Sinh năm 1901 tại Sagunto, Valencia, Rodrigo bị mù từ năm lên ba do bệnh bạch hầu, chính điều này đã đưa ông đến với âm nhạc. Là một nghệ sĩ piano tài năng và một nhà soạn nhạc vĩ đại, ông đã chuyển soạn rất nhiều bản giao hưởng cho piano độc tấu và song tấu. Với một tài năng đặc biệt với hình thức concerto, ông đã viết rất nhiều tác phẩm cho các nghệ sĩ độc tấu, trong đó có bậc thầy guitar Andrés Segovia, nghệ sĩ thổi sáo James Galway, harpist (người chơi đàn hạc) Nicanor Zabaleta, và cellist Julian Lloyd Webber.
Khi còn là sinh viên tại Nhạc viện Valencia, ông đã sớm được trao bằng danh dự với tác phẩm “Cinco piezas infantiles” (1924). Sau đó ông tới Paris cùng Paul Dukas, vào học tại École Normale de Musique với sự ủng hộ của nhà soạn nhạc đồng hương Manuel de Falla. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào những năm 30 khiến ông mất cơ hội nhận học bổng tại Paris; ông cùng vợ - nghệ sĩ piano Victoria Kamhi - dạy nhạc và tiếng Tây Ban Nha tại Pháp và Đức. Nhưng một năm sau khi họ trở về quê hương (1939), năm 1940 bản Concierto de Aranjuez của Rodrigo đã trở nên nổi tiếng khắp Barcelona với sự trình diễn của guitarist Regino Sainz de la Maza. Thành công vang dội ấy đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Tác phẩm đã trở thành bản concerto nổi tiếng nhất thế kỉ 20, và được chuyển soạn cho rất nhiều nhạc cụ độc tấu. Chủ đề của chương 2 càng trở nên nổi tiếng khi được Miles Davis chuyển thể trong đĩa “Sketches of Spain” (1960) theo phong cách jazz. Năm 1992, nhân dịp kỉ niệm 90 năm tuổi của Rodrigo, ông được vua Juan Carlos I trao tặng danh hiệu “Marqués de los jardines de Aranjuez” (“Hầu tước của những khu vườn ở Aranjuez”). Cho đến những năm cuối cuộc đời, ông vẫn tiếp tục sáng tác các tác phẩm concerto, các bài hát, bản nhạc cho piano và nhạc thính phòng.
Những khu vườn rộng 300 mẫu tại Aranjuez là một phần của cung điện đời vua Bourbon ở Tây Ban Nha thế kỉ 18. Rodrigo miêu tả bản concerto của ông như “mùi hương ngào ngạt của đóa mộc lan, tiếng hát vang lừng của chú chim non, và tiếng réo rắt của dòng suối mát” – những vẻ đẹp hoang sơ mà một người mù như ông đã cảm nhận được. Hình thức Baroque của tác phẩm rất phù hợp với vẻ trang nghiêm của cung điện cổ; nhưng vũ điệu của chương một và chương cuối, cộng với giai điệu đau thương trong chương giữa bắt nguồn từ hình thức dân ca Tây Ban Nha cổ xưa, đã biến tác phẩm thành một sự hài hòa tuyệt vời của các phong cách âm nhạc tinh túy nhất của Tây Ban Nha trong làn giai điệu của Rodrigo.
Chương mở đầu, “Allegro con spirito”, được viết dựa trên những vũ điệu truyền thống như fandango (điệu múa Tây Ban Nha nhịp 3/4 hoặc 6/8 có tính chất lả lướt, khêu gợi). Nó được xây dựng dựa trên một chuỗi sự luân phiên nhau: sự xen kẽ thuờng thấy giữa guitar độc tấu với dàn nhạc, sự xen kẽ trong chủ đề giữa những hợp âm rộn rã của guitar và giai điệu giới thiệu bởi dàn violin, và sự xen kẽ nhịp điệu giữa nhịp chính 6/8 và các đoạn viết với nhịp 3/4. Khúc mở đầu thể hiện tài năng của Rodrigo khi ông cân bằng giữa sự im lặng của cây guitar với cả dàn nhạc. Guitar bắt đầu với những hợp âm gẩy rộn rã, tiếp nối nhanh khi dàn hơi đối âm nhưng không bao giờ lấn át guitar, và dàn dây nhập cuộc với những hợp âm vang lên như một cây guitar khổng lồ. Guitarist sử dụng các kĩ thuật của flamenco như đối lập giữa punteado với rasgueados. Chương lên đến cao trào với đoạn fandango trong tiếng kèn đồng nhanh, rộn rã, và sau cùng tiếng guitar nhẹ dần kết thúc chương.
Sự nhẹ nhàng thuộc về chương Adagio. Hợp âm guitar rải nhẹ trong giai điệu đau thương của kèn Cor; nơi cảm hứng được lấy từ saeta - bài ca ai oán của người dân vùng Andalusia trong tuần lễ trước ngày Phục sinh. Bài ca được hát bởi những người phụ nữ trên các đường phố như một biểu tượng tôn giáo, và tiếng khóc sẽ được đám đông hòa chung. Trong đoạn này, guitar và kèn Cor luân phiên đẩy giai điệu lên xuống, và cuối cùng dàn nhạc hòa cùng, mô phỏng sự nhập cuộc của đám đông. Theo một người bạn của Rodrigo (guitarist Pepe Romero), lời ca ai oán không chỉ là cảm hứng từ saeta, mà còn là tiếng khóc về cái chết của đứa con mới chào đời của nhạc sĩ. Mặc dù đoạn độc tấu mở rộng của guitar đưa dàn nhạc đến cao trào, chương II kết thúc trong im lặng và sâu lắng.
Chương cuối, Allegro gentile, là sự kết hợp thông minh giữa sự đối âm mang âm hưởng Baroque và những giai điệu mang đầy tính vũ khúc. Giống như chương đầu, chương cuối để hai nhịp kề nhau, trong trường hợp này là 2/4 và 3/4. Các nhạc cụ độc tấu và nhóm nhạc cụ đẩy giai điệu lên xuống, và sau một màn trình diễn hùng tráng, chương và cả tác phẩm kết thúc trầm lặng như tưởng nhớ, suy tư … phù hợp với suy nghĩ của Rodrigo rằng bản concerto “chỉ nên mạnh mẽ như một cánh bướm … gợi nhớ đến những một thời quá khứ trôi qua…”
Thưởng thức tác phẩm qua giọng ca của nhóm IL DIVO: