Wednesday, March 02, 2011

Làm chủ stress

Khi đang ngồi ở văn phòng với hàng đống việc phải làm, kể cả việc phải viết một bài đăng báo cho kịp hạn, tôi nhận được một cú phone thông báo Công ti Ðiện lực vừa cắt điện nhà tôi.
Nếu tình huống khó chịu kiểu như vậy xảy ra mấy năm trước đây, tôi hẳn sẽ không thể nào kiềm chế được mình với hàng chuỗi những cáu giận bực tức không đâu vào đâu. Nhưng bây giờ tôi đã ý thức một điều rằng Làm Chủ STRESS là một nghệ thuật sống mang tính quyết định cho việc bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ. Vì thế tôi gác điện thoại, hít một hơi thật sâu, tiếp đó từ từ thở ra, rồi đấm một cái xuống bàn với một sức mạnh đến nỗi ba ngày sau tôi không nắm tay lại được.
Sau đó tôi dùng tay kia để gọi điện đến Công ti Ðiện lực, cái công ti sử dụng hệ thống điện thoại do những kẻ quá khích thiết kế với sự trợ giúp của Hãng Dịch vụ Kiểm tra Trình độ Học vấn, vì thế muốn gọi vào Công ti Ðiện lực, khách hàng phải dùng hàng loạt những phím ấn này nọ để trả lời hàng đống câu hỏi lựa chọn ("...nếu quí khách biết tên của mình nhưng không biết họ của mình, xin vui lòng ấn số...") - tất cả chỉ để Công ti Ðiện lực tin chắc rằng người gọi là một khách hàng xứng đáng được tiếp chuyện qua phone.
Trong khi chờ đợi, tôi chế ngự stress bằng cách bình tĩnh vạch ra những luận điểm để nói:
1. Ðồ ngu.
2. Hãy đóng điện trả cho nhà tôi ngay lập tức.
3. Cái đầu của các người dùng để làm gì?
4. Pez?
Tôi đang mài giũa cho bén nhọn những luận điểm trên thì người đại diện dịch vụ khách hàng trả lời điện thoại và lập tức làm tôi bực mình bằng cách - tôi đoán chắc rằng đấy là chiến thuật có chủ tâm của cô ta - tỏ ra lịch sự. Cô ấy giải thích cho tôi rằng nhà tôi bị cắt điện bởi vì - kèm theo hàng đống lời xin lỗi - tôi chưa trả tiền điện.
Thật quá thể. Tôi chắc chắn sẽ thuê một đội đầu gấu đến san phẳng và lấy sạch đến từng volt cuối cùng của Công ti Ðiện lực nếu như không vì một lí do duy nhất đã làm tôi suy nghĩ lại, đó là một thực tế rằng tôi vẫn nợ hoá đơn tiền điện. Người ta lắm khi xếp lại thành đống những giấy tờ thực sự phải xử lí ngay nhưng lại cứ lần lữa không mó đến với một hi vọng thầm kín - sự lạc quan điên rồ - rằng một sao chổi khổng lồ nào đó sẽ đến quét sạch tất cả và như thế sẽ thoát nợ. Ðấy chính là tình huống giống hệt chồng hoá đơn của tôi.
Cô đại diện dịch vụ khách hàng lịch sự đến mức khó chịu kia nhắn rằng nhà tôi sẽ có điện trở lại trong ngày nếu tôi thanh toán hoá đơn trước 2 giờ chiều. Cô ta yêu cầu tôi thanh toán ở một hiệu thuốc gần nhà. (Tôi không li giải được tại làm sao người ta không đề nghị tôi thanh toán tại chính Công ti Ðiện lực; phải chăng họ muốn giấu kín bí quyết sản xuất điện, mà có lẽ đó là cọ vào thảm bằng những chiếc giày khổng lồ).
Vậy là tôi phải quay gấp về nhà để lấy hoá đơn, và như lệ thường, chiếc ô tô của tôi lại hết xăng. Tôi dừng xe tại một trạm xăng đa dụng, nơi người ta kết hợp bán đủ mọi thứ như bia, thuốc lá, tạp chí, mũ, bít tết dai, và bánh sandwich cứng ngắc. Như lệ thường tôi xếp hàng ngay sau một gã nhà quê đang mải nướng nốt những đồng tiền cuối cùng của gia đình hắn vào quầy xổ số để tham dự Xổ số Quốc gia kèm theo những toan tính rắc rối đến mức cả ba tay bán hàng phải phục vụ hắn chăm chút trong những 15 phút liên tục. Trong lúc đó tôi hoàn toàn làm chủ stress của mình bằng cách chằm chằm ánh mắt laser dường như có thể khoan thủng hộp sọ của hắn, đồng thời không ngừng rên xiết âm thầm trong đầu: Sao lão không biết tiếc thời gian ư? Sao lão không quẳng quách chỗ tiền kia vào lửa có nhanh hơn không?
Như vậy quí vị có thể hình dung được là tôi đã trong trạng thái hoàn toàn không stress trong khi thời hạn 2 giờ chiều đang mau xích lại gần. Cuối cùng tôi cũng quay được ra đường cao tốc và nhanh chóng chui vào đoạn tắc đường, xếp ngay sau xe của một gã có cái tai to như cái đĩa bánh. Hắn chắc hẳn vừa từ năm 1937 đến thế giới văn minh này và chưa từng bao giờ được nhìn thấy đèn hiệu rẽ trái. Quí vị có thể thấy hắn đang chăm chú nhìn, nghiên cứu ý nghĩa của nó - đèn hiệu màu vàng, hình mũi tên chỉ sang trái, ngay ở làn đường bên trái, vậy cái đó có ý nghĩa như thế nào ấy nhỉ...? - trong khi bao nhiêu công dân chúng tôi phải vất vả làm chủ stress của mình bằng cách đấm mạnh vào nút còi để rồi phải rít lên đau đớn vì vừa vô tình sử dụng đúng cái tay trước đó đã dùng để đấm mạnh xuống bàn.
Vào phút chót tôi cũng mò đến được hiệu thuốc, một cửa hàng chật hẹp, tối tăm, xấu xí bên đường, và xếp hàng cuối cùng sau một dãy dài những người đến thanh toán các khoản chi phí bằng tiền mặt: họ rút lần lượt từng tờ 1 đô ra khỏi ví với tốc độ vô vàn chậm rãi cứ như để chứng tỏ rằng họ không nghe được những tiếng rên xiết trong đầu tôi - Nhanh lên, đồ ngốc - nhưng kì tình họ biết thừa họ đang làm gì, bởi vì tất cả đều cùng một bọn: cả Công ti Ðiện lực, cả tay lái xe tai to, cả gã nhà quê chơi xổ số, cả trực thăng Liên bang luôn theo dõi những công dân như tôi, vâng, tất cả bọn chúng. Chúng phối hợp hòng để làm tăng stress chúng tôi, tôi biết tỏng những âm mưu của chúng và âm mưu của chúng tất yếu sẽ thất bại, Ha ha ha.... mà này, các người hãy tránh xa tôi ra....
(Ghi chú của Ban biên tập: Hôm nay không có bài của Dave Barry. Anh ấy xin nghỉ phép một tuần.)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...