Tuesday, April 05, 2011

Tin vắn y học tháng 3 - 2011

1. Chân co giật khi ngủ là triệu chứng của bệnh tim

Hội chứng co giật chân trong giấc ngủ ban đêm có thể là dấu hiệu về các triệu chứng của bệnh tim.

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra rằng hội chứng co giật chân trong giấc ngủ ban đêm có thể là dấu hiệu về các triệu chứng của bệnh tim.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại bệnh viện Mayo Clinic Arizona ở Scottsdale cho biết những người có triệu chứng co giật chân thường xuyên khi đang ngủ có nhiều khả năng bị tim dày - một điều kiện khiến dễ bị các vấn đề về tim mạch, đột quỵ và tử vong.

Tiến sỹ Arshad Jahangir, một chuyên gia về nhịp đập tim tại Mayo Clinic Arizona, phát biểu: "Chúng tôi không nói rằng đây là mối quan hệ nhân-quả," mà chỉ khuyến cáo co giật chân có thể là dấu hiệu tim gặp vấn đề mà các bác sỹ và bệnh nhân cần phải cân nhắc.

Tiến sỹ Jahangir và các đồng nghiệp đã tiến hành thí nghiệm nghiên cứu đối với 584 người được chẩn đoán có triệu chứng co giật chân khi ngủ. Những người tham gia được tiến hành kiểm tra hình ảnh để đo độ dày của tim và nhịp co giật của chân.

Các nhà khoa học đã chia những người tham gia nghiên cứu thành hai nhóm dựa trên nhịp co giật của chân. Kết quả theo dõi cho biết khoảng 45% những người bị co giật chân ít nhất 35 lần mỗi giờ nhiều khả năng bị tim dày hơn so với 55% những người còn lại ít bị co giật chân hơn.

Tiếp tục theo dõi trong vòng 3 năm, các nhà khoa học nhận thấy những người bị tim dày, chiếm khoảng 1/4 tổng số những người tham gia nghiên cứu, có khả năng cao gấp đôi gặp các vấn đề về tim hoặc bị chết.

Hiện nay có khoảng 2-15% người bị hội chứng chân bứt rứt không yên khi ngủ. Nam, nữ, tuổi nào cũng đều có thể bị chứng chân bứt rứt, song càng cao tuổi, càng dễ bị và triệu chứng càng nặng hơn.
2. Phân biệt cảm lạnh và dị ứng

Hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ cho biết một số cách để phân biệt 2 loại bệnh này.

Theo Hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ (ACAAI), cảm lạnh và dị ứng gây ra các triệu chứng giống nhau và việc phân biệt hai tình trạng bệnh này là một bước quan trọng giúp cho việc điều trị.

Cảm lạnh do 1 trong hơn 200 loại virus gây ra và truyền từ người sang người. Dị ứng, không phải là một bệnh truyền nhiễm mà do các dị nguyên như phấn hoa gây ra khiến hệ miễn dịch phản ứng mạnh.

Vào mùa xuân, lượng lớn phấn hoa trong cây và cỏ gây hắt hơi và các triệu chứng giống với cúm với ước tính khoảng 60 triệu người Mỹ bị viêm mũi dị ứng, hay còn gọi là sốt mùa.

ACAAI cho biết có một số cách để phân biệt giữa dị ứng mùa xuân và cảm lạnh. Cảm lạnh thường tiến triển, bắt đầu là nghẹt mũi, ngứa họng và sốt nhẹ, sau đó là hắt hơi và sổ mũi với dịch nhầy đặc thường chuyển thành dịch vàng hoặc xanh. Các triệu chứng dị ứng hay gặp là hắt hơi, ngứa mắt và mũi, nhưng dịch nhầy thường trong.

Trong khi cảm lạnh thường kéo dài một hoặc hai tuần thì các triệu chứng dị ứng lại dai dẳng và có thể tiến triển xấu nếu tiếp tục phơi nhiễm với các dị nguyên gây triệu chứng. Dị ứng mùa xuân có thể kéo dài 6 tuần hoặc hơn.

Đau nhức và sốt là những chỉ báo dễ nhận thấy của cảm lạnh trong khi ngứa ở mắt là chỉ báo của dị ứng.

Đau họng và ho có thể xảy ra khi bị dị ứng song đây thường là biểu hiện của cảm lạnh. Ho thường xảy ra khi bị cảm lạnh song cũng có thể là một triệu chứng của hen có liên quan với dị ứng. ACAAI khuyến nghị những người bị ho dai dẳng nên khám bác sĩ dị ứng.
3. Nhiều BN hen, khí phế thũng dùng thuốc hít sai

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều người mắc bệnh hen và khí phế thũng dùng thuốc hít chưa đúng cách.

Khi họ yêu cầu 100 BN người lớn, nằm viện vì hen hoặc bệnh về phổi như khí phế thũng, mô tả cách sử dụng thuốc hít ở nhà thì hầu hết BN làm chưa đúng cách. May mắn là việc này không quá khó để BN học cách làm đúng phương pháp.

Các nhà nghiên cứu báo cáo trên tờ The Journal of General Internal Medicine là nhìn chung BN sử dụng thuốc hít có đo liều một cách sai 9 trong 10 lần, dùng thuốc hít Diskus là sai 7 trong 10 lần.

Cả hai loại thuốc hít đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp. Thuốc hít Diskus được dùng chủ yếu như thuốc “kiểm soát” – loại mà bệnh nhân thường xuyên dùng để kiểm soát bệnh hen và các triệu chứng bệnh phổi khác. Thuốc hít có đo liều có thể được dùng để kiểm soát hay chữa bệnh - BN dùng trong đợt khó thở hoặc các triệu chứng nặng khác.

Hai loại thuốc hít này hoạt động theo các cơ chế khác nhau và đòi hỏi nhiều bước khác nhau để đưa thuốc vào phổi.

100 BN trong nghiên cứu này là nằm ở một trong hai bệnh viện ở Chicago bởi hen nặng hay do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nặng lên.

Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu bệnh nhân mô tả cách họ sử dụng thuốc hít tại nhà, một trong những lỗi lớn nhất là BN không thể thở ra trước hết trước khi đặt thuốc hít vào miệng.

Một trong những trở ngại mà Press và các đồng nghiệp của bà phát hiện ra đó là các rối loạn thị lực. Gần như tất cả bệnh nhân nhìn kém là sử dụng thuốc hít Diskus không đúng cách, so với chỉ hơn một nửa số bệnh nhân có thị lực bình thường.

Press nói đó có thể là các rối loạn về thị lực gây khó khăn hơn cho mọi người đọc hướng dẫn sử dụng thuốc hít, phần lớn được in với chữ rất nhỏ.

Các nhà nghiên cứu cho biết điều đáng mừng là không quá khó để giúp cải thiện cách dùng thuốc của bệnh nhân.

42 đối tượng được dạy một hoặc hai bài về cách sử dụng các thiết bị này, bao gồm cả cách họ phải dạy lại những kỹ thuật này cho các nhà nghiên cứu. Tất cả đều có thể thành thạo kỹ thuật cho cả hai loại thuốc hít.

Bà Press cho biết nhìn chung điều quan trọng đối với mọi người là phải biết cách sử dụng thuốc đúng cách.

Bà cho biết đối với những người bị hen hay COPD, khó khăn trong việc kiểm soát các triệu chứng có thể là dấu hiệu của việc thuốc hít không được dùng đúng cách và họ cần phải yêu cầu các thầy thuốc của mình đánh giá cách sử dụng của mình.
4. Đậu nành và xương

Các kết quả nghiên cứu của Mỹ cho thấy isoflavone đậu nành (dùng như thực phẩm bổ sung) bị “nghi ngờ” là không có bất kỳ tác dụng nào về mặt lâm sàng tới nguy cơ gãy xương.

Các nhà nghiên cứu cho thấy bổ sung hàng ngày bằng isoflavone đậu nành trong 3 năm cũng chỉ mang lại rất ít lợi ích về mặt mật độ khoáng giữa xương đùi (BMD) và chỉ số căng-bền (SSI), nhưng cũng chỉ ở thời điểm kể từ kỳ kinh nguyệt cuối (TLMP) và khi chuyển hóa xương tăng.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm đối chứng, ngẫu nhiên đánh giá tác động của 2 liều isoflavone đậu nành (80 hoặc 120 mg/ngày trong 3 năm) so với giả dược tới thể tích BMD và sự vững chắc của xương ở 171 phụ nữ đã mãn kinh, khoẻ mạnh và trong độ tuổi từ 46-63.

Tại thời điểm 6, 12, 24 và 36 tháng, nhóm nghiên cứu đo BMD vỏ, độ dày vỏ, chu vi màng xương, chu vi trong màng xương và SSI ở giữa xương đùi và BMD bè cơ, chu vi màng xương và SSI ở đoạn xa của xương chày với sử dụng chụp cắt lớp vi tính định lượng.

Như được báo cáo trên tờ The Journal of Clinical Densitometry, không điều trị nào là có lợi hay có hại tới độ dày vỏ xương đùi, chu vi màng xương hoặc chu vi trong màng xương hoặc BMD bè cơ xương chày hoặc chu vi màng ngoài xương, so với giả dược.

Cả 2 điều trị bằng isoflavone đều thể hiện tác động âm tính rõ lên SSI giữa xương đùi, song điều trị bằng liều 80 mg/ngày lại có tính bảo vệ lên chuyển hóa xương - được đánh giá bằng tăng phosphatas kiềm (BAP). Liều cao hơn cho thấy xu hướng bảo vệ tương tự với tăng BAP, cho dù không đạt mức có ý nghĩa thống kê.

Ngoài ra, liều 120 mg/ngày cũng phòng được mất BMD vỏ xương đùi phần giữa, khi so sánh với giả dược, khi TLMP là dài hơn.

Van Loan và các đồng nghiệp công nhận rằng vì nghiên cứu không xem xét tới gãy xương nên rất khó đánh giá giá trị lâm sàng của các kết quả của họ.
5. Chỉ báo sinh học phát hiện chửa ngoài tử cung

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một chỉ báo sinh học mới có khả năng phân biệt chửa ngoài tử cung (EP) và chửa bình thường (IUP).

Kurt Barnhart (Trung tâm Y tế Trường ĐH Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ) và cộng sự cho biết: disintegrin và metalloprotease-12 (ADAM-12) - những chất được bộc lộ trong nhau thai và có tác động kích thích tạo cơ - là giảm rõ trong huyết thanh của những bệnh nhân bị EP, so với ở những người IUP.

Với đánh giá protein học (proteomic) trong huyết thanh của bệnh nhân EP (9 người) và IUP (9 người) đến phòng cấp cứu với đau hoặc chảy máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ADAM-12 như một chỉ báo sinh học đối với EP.

Phân tích lại huyết thanh của 199 bệnh nhân khác có các triệu chứng tương tự (99 người EP), nồng độ ADAM-12 trung bình ở người EP giảm rõ rệt so với ở người IUP, 2,5 ng/ml so với 18,6 ng/ml.

Điểm AUC là 0,82 ở nhóm này cũng được cho là giúp phân biệt tốt giữa nhóm EP và IUP; tại ngưỡng 2,53 ng/ml, ADAM-12 dự báo EP với độ nhạy 70% và độ đặc hiệu 84%.

Các tác giả kết luận: “ADAM-12 là chỉ báo có triển vọng trong chẩn đoán EP ở những phụ nữ có các triệu chứng trong 3 tháng đầu của thai kỳ”.
6. Bổ sung kali giúp giảm đột quỵ

Những ai bổ sung nhiều thực phẩm giàu kali trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể giảm được nguy cơ đột quỵ.

Cụ thể, cứ mỗi 1.640 mg kali được bổ sung trong chế độ ăn uống mỗi ngày, nguy cơ đột quỵ giảm 21%. Để rút ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Naples (Ý) hồi cứu 11 cuộc khảo sát liên quan hơn 247.000 người trong 19 năm. Kali là nguồn khoáng chất quan trọng giúp điều hòa nhịp tim, giảm huyết áp…

Hầu hết người trưởng thành cần khoảng 4.700 mg kali mỗi ngày. Nguồn thực phẩm giàu kali là khoai tây, cà chua, chuối, nho khô, sữa, đậu các loại…
7. Ăn cá giúp ngừa tiểu đường

Bổ sung một lượng lớn acid béo omega-3 từ cá có thể giúp ngừa nhiều bệnh mạn tính có liên quan tới béo phì như tiểu đường và bệnh tim mạch.

Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson và Đại học Alaska-Fairbanks (Mỹ) sau khi khảo sát chế độ ăn uống của 330 người (70% trong số này bị thừa cân hoặc béo phì), được công bố trên chuyên san Dinh dưỡng châu Âu.

Các chuyên gia nghiên cứu những chất acid béo: acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA) có trong cá hồi và một số loại cá nhiều mỡ khác. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những ai có hàm lượng DHA và EPA trong máu thấp thì tình trạng béo phì làm gia tăng cả hàm lượng chất béo có hại triglycerid và protein phản ứng C, vốn là những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng như có thể là bệnh tiểu đường.
8. Tin vui cho người bị ung thư tuyến tiền liệt

Các bác sĩ Singapore đã phát triển một kỹ thuật điều trị mới đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, giúp giảm tối đa tác dụng phụ, cũng như rút ngắn thời gian trị liệu.

Tờ Channel NewsAsia cho biết 7 bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt thể nhẹ đã tham gia vào thử nghiệm giai đoạn một, do bác sĩ của Bệnh viện Tổng hợp Singapore và Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore thực hiện từ tháng 8 năm ngoái, và kết quả bước đầu cho thấy phương pháp siêu âm không xâm lấn này gây ra rất ít biến chứng.

Ngoài ra, kỹ thuật mới cũng cho phép người bệnh phục hồi sinh hoạt bình thường chỉ hai ngày sau khi điều trị, so với 2 tuần khi mổ lấy khối u.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nhóm đàn ông lớn tuổi. Các phương pháp điều trị hiện tại gồm có mổ lấy khối u và xạ trị. Tuy nhiên, cả hai kỹ thuật này đều có nhiều tác dụng phụ.

Theo Xinhua, trong kỹ thuật mới, các bác sĩ sẽ siêu âm nhìn thấy khối u và các mô xung quanh, sau đó gia nhiệt vào khối u để phá hủy nó mà không làm ảnh hưởng đến các mô lành bên cạnh.

Bác sĩ Kwek Jin Wei, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết nhờ công nghệ ảnh ba chiều sống động, các bác sĩ sẽ chỉ xử lý một phần của tuyến tiền liệt bị ung thư, chứ không phá hủy toàn bộ tuyến này như trong kỹ thuật mổ bỏ hoặc xạ trị.

Giai đoạn thử nghiệm thứ hai đã bắt đầu vào tháng trước, và dự kiến kỹ thuật này sẽ được áp dụng trên bệnh nhân trong 2 năm nữa.
9. Sưởi than liên quan với rối loạn phát triển ở trẻ

Theo một nghiên cứu các gia đình ở Cộng hòa Séc, trẻ sống trong gia đình được sưởi ấm bằng bếp than bị chậm phát triển, do phơi nhiễm dài ngày với ô nhiễm không khí trong nhà.

Ở tuổi lên 3, trẻ sống trong những gia đình dùng than để sưởi trung bình sẽ thấp hơn 1,3cm so với trẻ sống trong gia đình dùng các dạng nguyên liệu khác để sưởi. Theo nhóm nghiên cứu, tác động lên sự tăng trưởng thậm chí cao hơn ở trẻ phơi nhiễm với cả khói than và khói thuốc lá tại nhà.

Các nhà khoa học cho biết: vẫn chưa rõ khi nào những trẻ này sẽ bắt kịp bạn cùng trang lứa về biểu đồ tăng trưởng, hoặc ảnh hưởng này có vĩnh viễn hay không. Tuy nhiên, theo tác giả nghiên cứu - Irva Hertz-Picciotto (Đại học California, Davis), các nghiên cứu ở trẻ phơi nhiễm với khói thuốc, chậm phát triển, thấy rằng vóc người thấp hơn vẫn tiếp tục cho tới tuổi vị thành niên và có thể tới khi trưởng thành.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần một nửa dân số thế giới dùng than, phân, củi hoặc rơm rạ để sưởi hoặc nấu ăn. Ước tính ô nhiễm không khí trong nhà gây ra khoảng 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
10. Tín hiệu lạc quan cho BN viêm gan C

Một tín hiệu lạc quan đối với những bệnh nhân viêm gan C khi các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một hỗn hợp thuốc đem lại những kết quả khích lệ trong điều trị bệnh viêm gan C. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine số ra tháng 3/2011.

Tiến sỹ Stuart Gordon thuộc Bệnh viện Henry Ford ở Detroit nói rằng công trình nghiên cứu này là một bước tiến đáng kể, đồng thời là một phương thuốc chữa trị tiềm năng đối với những bệnh nhân viêm gan C mà không phản ứng đối với những liệu pháp chữa trị trước đây. Nghiên cứu này mở ra một kỷ nguyên mới trong phát triển loại thuốc mà sẽ cung cấp các tác nhân kháng virus trong điều trị viêm gan C.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với hơn 1.000 bệnh nhân viêm gan C từ các quốc gia khác nhau, trong đó có Mỹ và Canada. Những bệnh nhân này được chia thành ba nhóm khác nhau. Cả ba nhóm này đều được điều trị với hai loại thuốc hiện nay đang được dùng là peginterferon và ribavirin (Rebetol) trong vòng 4 tuần.

Nhóm kiểm soát sau đó tiếp tục theo đuổi phương pháp điều trị này trong vòng 44 tuần nữa. Nhóm thứ hai được điều trị thêm thuốc boceprevir trong vòng 32 tuần, và nhóm thứ ba được điều trị bằng hỗn hợp ba loại thuốc kể trên trong vòng 44 tuần.

Kết quả cho thấy hai nhóm bệnh nhân được điều trị thêm bằng loại thuốc boceprevir đã cho thấy những phản ứng tốt hơn và trong một số trường hợp virus thậm chí còn biến mất khỏi máu của bệnh nhân. Boceprevir vốn có tác dụng hạn chế sự phát triển của virus viêm gan C trong cơ thể bệnh nhân. Trong nhóm thứ hai, có 59% bệnh nhân đã có phản ứng với phương pháp điều trị và tỷ lệ này ở nhóm thứ 3 tăng lên 66%.

Siêu vi viêm gan C (HCV) là một siêu vi truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là siêu vi viêm gan không phải A hoặc B. HCV có 6 loại (genotypes) thường thấy nhất là 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6. Trong đó loại 1a và 1b rất phổ biến tại Hoa Kỳ và khó chữa trị hơn.

HCV xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu; rồi tấn công tế bào gan và sinh sôi nẩy nở tại đây. HCV làm cho tế bào gan sưng lên và đồng thời giết các tế bào gan. Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên (chronic) - có nghĩa là 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết.

Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong số 10-25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10-40 năm, và có thể làm hư gan trầm trọng, xơ gan, hoặc ung thư gan.

Ước tính có khoảng 3,2 triệu người dân Mỹ bị viêm gan C. Hiện nay bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay ghép gan tại Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chận đứng sự phát triển của HCV cho một số người.
11. Các bé ăn gì để thông minh hơn?

Đậu tương, nấm kim châm hay gan là những loại thực phẩm được các chuyên gia khuyên nên cho vào thực đơn của bé để bé thông minh hơn.

Đậu tương

Đậu tương là loại thực phẩm thực vật chứa nhiều protein nhất. Lysin cũng có rất nhiều trong đậu tương.
Ngoài ra, đậu tương còn chứa phospholipid là thành phần chính tạo màng tế bào thần kinh, giúp trẻ thông minh hơn. Đậu tương giúp các bé nâng cao trí nhớ, tăng khả năng hưng phấn và ức chế của vỏ não.
Nấm kim châm

Nấm kim châm có chứa nhiều amino acid, calci và vitamin. Trong đó, lượng lysin có trong nấm kim châm rất cao có khả năng tăng cường trí nhớ, thúc đẩy khả năng phát triển trí tuệ.

Bởi vậy các chuyên gia khuyên rằng nấm kim châm nên cho vào thực đơn bắt buộc cho trẻ.

Gan
Gan là cơ quan lưu trữ các chất dinh dưỡng quan trọng ở cơ thể động vật. Gan chứa rất nhiều sắt và vitamin A. Lượng sắt và vitamin A trong gan còn nhiều hơn cả trong sữa, trứng, thịt và cá.

Gan của động vật còn chứa nhiều vitamin B2 và nhiều nguyên tố vi lượng có khả năng tăng sức miễn dịch. Gan động vật còn có tác dụng làm tăng trí nhớ.
12. Ăn nhiều cà rốt có thể vô sinh

Một nghiên cứu mới nhất của Mỹ phát hiện phụ nữ ăn nhiều cà rốt rất có thể dẫn đến vô sinh. Nghiên cứu này chỉ ra rằng caroten có trong cà rốt sẽ ảnh hưởng đến progesteron trong buồng trứng.

Progesteron là một loại hormon được sản xuất từ buồng trứng giúp cho cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho sự thụ thai và mang thai cũng như việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Tình trạng rối loại kinh nguyệt sớm được phát hiện ở những người mắc chứng biếng ăn. Có một số bệnh nhân mặc dù không ăn, cũng không trong thời kỳ kinh nguyệt nhưng lượng caroten có trong máu vẫn ở mức cao.

Cùng với đó, các bác sỹ đã phát hiện trên cơ thể bệnh nhân nữ nếu ăn quá nhiều cà rốt, lượng caroten sẽ ở mức cao dẫn đến hiện tượng bất thường như rối loạn kinh nguyệt, không tạo trứng.
13. Sắp có vaccin tổng hợp phòng chống các loại bệnh

Nhà nghiên cứu miễn dịch Colombia Manuel Elkin Patarroyo vừa thông báo đã xác định được các nguyên tắc hóa học để điều chế vaccin tổng hợp phòng chống tất cả các bệnh lây nhiễm ở người.

Nhà khoa học 64 tuổi này cho biết dù các kết quả thí nghiệm (trên khỉ) mà ông cùng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Miễn dịch học Colombia đang tiến hành mới cho hiệu quả 40%, nhưng đã có khả năng phòng ngừa tới 95% số bệnh đề cập ở trên.

Theo ông Patarroyo, trên thế giới hiện có khoảng 517 loại bệnh truyền nhiễm đe dọa nhân loại, trong khi giới khoa học mới chỉ tìm ra vaccin cho 15 loại bệnh trong số này. Vaccin chống sốt rét là vaccin dạng tổng hợp đầu tiên, nhưng đã mở ra con đường để điều chế vaccin cho bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào.

Nhà khoa học Patarroyo là người đã tìm ra vaccin đầu tiên phòng bệnh sốt rét (SPF-66) vào năm 1986. Năm 1995, ông đã trao bằng phát minh vaccin chống sốt rét cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
14. Xét nghiệm cảnh báo sớm bệnh tiểu đường

Các chuyên gia tin rằng một xét nghiệm máu đơn giản có thế giúp phát hiện bệnh sớm bệnh tiểu đường tới 10 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh.

Bằng cách xem xét nồng độ của 5 acid amin trong máu, các nhà khoa học Mỹ có thể xác định chính xác những người sẽ bị bệnh tiểu đường týp 2.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng xét nghiệm này có thể được sử dụng để sàng lọc tiểu đường týp 2.

Xét nghiệm được sử dụng trong nghiên cứu này đã xem xét nồng độ của các phân tử nhỏ trong máu. Trong số 2.422 người tình nguyện khỏe mạnh tham gia xét nghiệm, 201 người sau đó bị tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng xét nghiệm máu sớm đã phát hiện những bệnh nhân này trước khi họ xuất hiện triệu chứng.

Những người có nồng độ acid amin trong máu cao nhất dễ bị tiểu đường gấp 5 lần trong vòng 12 năm sau của nghiên cứu.

Các tác giả cho rằng cần có thêm các nghiên cứu khác trước khi khuyến nghị sử dụng thường quy xét nghiệm này.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...