2. Cholesterol thay đổi theo mùa
3. Kẽm hạn chế viêm sưng?
4. Muối có liên quan đến những bệnh tự miễn
5. 4 điều cần biết trước khi xăm hình
6. Phát hiện ung thư dạ dày qua hơi thở
7. Thịt ăn sẵn bị xem là thủ phạm nhiều ca chết sớm
8. Gen béo phì gây ung thư da
9. Mất ngủ làm tăng nguy cơ suy tim
10. Phương pháp mới phát hiện sớm ung thư buồng trứng
11. Chế độ ăn giàu chất xơ tốt cho tim
12. Giảm đau do chấn thương cột sống
13. Tại sao một số người hay bị mụn?
14. Vi khuẩn - một phần tất yếu của... nhân loại
15. Nghiên cứu mới về vitamin B và bệnh nhân đột quỵ
1. Tác dụng kì diệu của củ cải đường
Với hương vị ngọt ngào và vẻ ngoài bắt mắt, củ cải đường là một nguyên liệu yêu thích trong giới ẩm thực, nhưng các nhà khoa học khám phá ra loại thực vật này ẩn chứa nhiều điều hơn thế nữa.
Phần lớn tác dụng của củ cải đường xuất phát lượng nitrat cao gấp khoảng 20 lần so với hầu hết các loại rau khác. Trước đây, nitrat “mang tiếng xấu” vì được sử dụng như một phụ gia thực phẩm. Nhưng theo các nghiên cứu được trường Đại học Queen Mary công bố vào năm 2010 cho thấy, nếu uống 250ml nước ép củ cải đường mỗi ngày, huyết áp cao có thể giảm xuống trong vài giờ. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy với người bị huyết áp rất cao. Khả quan hơn là Viện Nghiên cứu tim mạch tại thành phố Melbourne - Úc công bố kết quả cho thấy, uống 500ml nước ép của loại củ này, huyết áp sẽ giảm đáng kể 6 giờ sau đó. Nếu được sử dụng rộng rãi, các nhà nghiên cứu tin rằng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch có thể giảm tới 10%. Điều này được lí giải bởi khuẩn trong miệng và ruột hấp thụ nitrat và chuyển đổi thành khí oxit nitric cho phép các mạch máu lưu thông dễ hơn.
Bên cạnh đó, củ cải đường còn góp phần tăng cường sức chịu đựng - đặc biệt có tác dụng với các vận động viên. Giáo sư Stephen Bailey cho biết, vận động viên khuyết tật David Weir đoạt huy chương vàng tại Paralympic London mùa hè 2012, bởi anh thường xuyên sử dụng nước ép củ cải đường và có thể theo sát chương trình huấn luyện. Lí do được đưa ra là nitrat làm giảm lượng ôxy cần thiết cho cơ bắp giúp các vận động viên tăng cường sức dẻo dai tới 16% khi áp dụng các chương trình luyện tập.
Một tác dụng hữu hiệu nữa không thể bỏ qua đó là tăng hiệu quả hoạt động của trí não. Năm 2011, Đại học Wake Forest, Bắc Carolina công bố kết quả cho thấy củ cải đường có thể làm chậm sự phát triển của chứng mất trí. Họ cho rằng điều này là bởi nitric oxid làm tăng lưu lượng máu đến não. Chỉ cần ăn 2-3 lát củ cải đường mỗi ngày cũng được xem là kẻ thù cho sự phát triển của bệnh Alzheimer.
2. Cholesterol thay đổi theo mùa
Theo một nghiên cứu mới tại Brazil, mức cholesterol trong cơ thể có xu hướng tăng vào mùa đông và giảm vào mùa hè.
Tiến sĩ Filipe Moura cùng nhóm nghiên cứu của mình tại Đại học quốc gia Campinas đã thu thập dữ liệu từ hơn 227.000 người được kiểm tra lượng cholesterol trong giai đoạn 2008-2010.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào mùa đông, lượng cholesterol “xấu” (LDL) tăng trung bình 7 mg/dL so với mùa hè và tăng 8% trong những tháng lạnh. Trong suốt mùa hè, lượng cholesterol “tốt” (HDL) tăng khoảng 9%, đồng thời triglycerid - chất béo trong máu - tăng khoảng 5%.
Ông Moura cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến cholesterol thay đổi theo mùa bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vào mùa đông, tiêu thụ nhiều calo và ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol “xấu”. Viêc lười tập thể dục, lười hoạt động cũng là một nguyên nhân khác. Ngoài ra, mùa đông ít có ánh nắng mặt trời do đó lượng vitamin D cơ thể nhận được giảm đáng kể, điều đó có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol.
Những thay đổi về lượng cholesterol rất có thể mang đến nguy cơ đau tim hay đột quỵ. Do đó, ông cho rằng mọi người nên chú ý kiểm tra cholesteol vào mùa đông.
3. Kẽm hạn chế viêm sưng?
Nhà NC Daren Knoell thuộc Đại học bang Ohio và các cộng sự đã xác định trong các nghiên cứu về động vật và nuôi cấy tế bào người rằng có một protein đã “hút” kẽm vào các tế bào then chốt vốn là những “phản ứng viên” đầu tiên chống lại sự nhiễm trùng.
Kẽm tiến vào đường mòn phản ứng và giúp phong tỏa nó, đảm bảo phản ứng miễn dịch, tức tình trạng viêm sưng, không vượt khỏi tầm kiểm soát. Chứng viêm sưng có liên quan đến những căn bệnh như viêm khớp mạn tính, vẩy nến, lupus hoặc đa xơ cứng.
Hoạt động của kẽm đã được nghiên cứu trong bối cảnh nhiễm trùng huyết, nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở các bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt.
“Chúng tôi tin rằng những phát hiện của mình có thể được ứng dụng trong những lĩnh vực bệnh quan trọng khác ngoài nhiễm trùng huyết”, ông Knoell nói. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng nói rằng còn quá sớm để đưa ra khuyến nghị bổ sung kẽm.
“Tôi nghĩ vấn đề là nên cung cấp kẽm cho người nào. Không phải bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt nào bị nhiễm trùng huyết cũng cần kẽm. Kẽm là một thành phần quan trọng mà chúng ta hấp thu từ chế độ ăn uống, nhưng chúng tôi nghĩ rằng mình không thể cung cấp kẽm và giải quyết mọi việc. Thường thì nếu thiếu kẽm, chúng ta cũng sẽ thiếu các dưỡng chất khác”, ông nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Cell Reports số ra mới nhất.
4. Muối có liên quan đến những bệnh tự miễn
Theo AFP, chế độ ăn uống có quá nhiều muối có thể là một trong những nhân tố làm tăng nguy cơ mắc phải những bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.
Ba cuộc nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature vào ngày 6/3 đã chứng minh điều đó.
Trong 3 nghiên cứu này, có 2 nghiên cứu cho thấy muối dẫn đến sự sản sinh các tế bào ác tính có liên quan đến những bệnh tự miễn dịch ở chuột và cả người.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ ba cho thấy chuột ăn nhiều muối thì sẽ mắc bệnh tương tự như bệnh đa xơ cứng ở người.
"Tuy vậy, có lẽ vẫn còn khá sớm để nói rằng không nên ăn muối vì muối làm bạn mắc phải những bệnh tự miễn dịch", theo ông Aviv Regev từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), một thành viên của nhóm nghiên cứu.
Trong 2 nghiên cứu ở chuột và người, các nhà nghiên cứu nhận thấy muối thúc đẩy sự phát triển của một loại tế bào miễn dịch có tên là Th17. Tế bào Th17 vốn được cho là có liên quan đến bệnh đa xơ cứng, bệnh vẩy nến và bệnh viêm khớp dạng thấp.
Những bệnh tự miễn dịch phát triển khi hệ miễn dịch tấn công chủ thể hơn là bảo vệ.
Theo ông Vijay Kuchroo, đồng Giám đốc Trung tâm viêm nhiễm và miễn dịch tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ tại Boston (Mỹ), một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nguyên nhân gây nên những bệnh trên không chỉ là muối.
Các yếu tố môi trường như sự lây nhiễm, hút thuốc, thiếu ánh sáng mặt trời và vitamin D có lẽ cũng là các nguyên nhân gây bệnh.
5. 4 điều cần biết trước khi xăm hình
TS Michi Shinohara, chuyên gia về da liễu tại ĐH Washington (Seattle, Mỹ) cho biết: “Mọi người cần nhận thức được những rủi do tiềm tàng, thông báo về bất kỳ vấn đề nào xảy ra cho thợ xăm hình và tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán và điều trị”.
Loại mực dùng trong quá trình xăm hình có thể gây phát ban, nhiễm trùng và viêm. Trên thực tế, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn về việc các hóa chất trong loại mực này ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào trong thời gian dài. Mới đây nhất, một nghiên cứu cho thấy hóa chất trong loại mực đen được gọi là benzo(a)pyrene đã gây ung thư da ở các động vật thí nghiệm và hình thành khối u ác tính tại một số hình xăm.
Ngoài dị ứng với mực xăm, các bệnh giang mai, viêm gan B và viêm gan C có liên quan tới việc xăm hình không đảm bảo vô trùng.
Dưới đây là 4 lời khuyên của tiến sĩ Shinohara để xăm hình an toàn:
- Hãy chắc chắn rằng thợ xăm hình của bạn được cấp phép và chỉ tới các cơ sở chuyên nghiệp. Chắc chắn rằng tất cả các kim xăm được lấy ra từ một gói vô trùng sử dụng một lần duy nhất trước khi xăm hình, thợ xăm của bạn đã rửa tay và đeo găng tay vô khuẩn.
- Tới gặp bác sĩ da liễu nếu có vấn đề kéo dài hơn 1-2 tuần.
- Gặp bác sĩ da liễu trước khi xăm mình nếu bạn bị tình trạng da mạn tính như bệnh vẩy nến, eczema hoặc khuynh hướng gây sẹo lồi.
- Không bao giờ xăm hình trên một nốt ruồi vì một hình xăm có thể ẩn chứa bất kỳ sự thay đổi hoặc những vấn đề có thể xảy ra trong nốt ruồi theo thời gian.
6. Phát hiện ung thư dạ dày qua hơi thở
Các nhà khoa học tại Israel và Trung Quốc đã phát minh một phương pháp mới để phát hiện ung thư dạ dày. Đó là phương pháp xét nghiệm hơi thở.
Các bộ phận cảm biến có thể phát hiện trong hơi thở bệnh nhân sự hiện diện của những hóa chất thoát ra từ khối u.
Dụng cụ kiểm tra hơi thở gồm những bộ phận cảm biến có thể phát hiện được những phân tử hóa chất cực nhỏ trong hơi thở bệnh nhân do các khối u ứa ra.
Nghiên cứu được công bố trên British Journal of Cancer cho biết, phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện ung thư dạ dày với tỷ lệ chính xác lên đến 90%.
Daily Mail dẫn lời Giáo sư Hossam Haick đến từ Viện Công nghệ Technion - Israel, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, xét nghiệm hơi thở có thể dùng để thay thế cho phương pháp nội soi dạ dày vốn tốn kém, mất nhiều thời gian và gây khó chịu cho bệnh nhân.
7. Thịt ăn sẵn bị xem là thủ phạm nhiều ca chết sớm
Một nghiên cứu quy mô lớn vừa khẳng định, các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt hun khói, thịt muối,... bị buộc tội là thủ phạm của 1/3 số ca chết sớm.
Các nhà khoa học đã tìm hiểu sức khỏe của gần 450.000 người tuổi từ 35-69, và phát hiện thấy càng ăn nhiều thịt đã qua chế biến, những người này càng có nguy cơ chết sớm vì bất kỳ lý do gì. Điều này vẫn đúng sau khi tính tới thực tế là người hay ăn đồ ăn sẵn thì có xu hướng kém hoạt động hơn, uống rượu bia và hút thuốc nhiều hơn.
Cụ thể, người ăn nhiều thịt chế biến thì tăng 72% nguy cơ chết vì bệnh tim, tăng 11% nguy cơ chết vì ung thư.
Giáo sư Sabine Rohrmann, trưởng nhóm phân tích của cuộc điều tra về Dinh dưỡng và ung thư châu Âu, cho biết: "Nguy cơ tử vong vì ung thư và bệnh tim mạch tăng lên tỷ lệ thuận với việc dùng thịt chế biến sẵn. Tính chung, chúng tôi ước đoán 3% các ca chết sớm mỗi năm có thể ngăn ngừa được nếu mọi người ăn ít hơn 20g thịt kiểu này mỗi ngày".
Trong 13 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu ghi nhận nhóm ăn nhiều thịt chế biến có nguy cơ chết vì bất kỳ lý do gì cao hơn 44% so với người bình thường.
Tuy vậy, một số chuyên gia về ẩm thực cho rằng những nghiên cứu như thế này không bao giờ tính cụ thể được sự khác biệt về lối sống, và vai trò độc lập của thịt trong những ca tử vong. Nhìn chung, những người ăn nhiều thịt làm sẵn thì cũng có xu hướng có lối sống kém lành mạnh hơn. Họ ít ăn rau và hoa quả hơn, đồng thời cũng hút thuốc nhiều hơn. Riêng nam giới nhóm này còn uống rượu nhiều hơn.
8. Gen béo phì gây ung thư da
Nghiên cứu mới cho thấy, những người mang gen béo phì dễ có nguy cơ mắc các khối u ác tính, đặc biệt là ung thư da.
Như chúng ta đã biết những người thừa cân béo phì với chỉ số BMI (Body Mass Index – chỉ số đo độ béo qua chiều cao và cân nặng) cao có nguy cơ mắc vô số bệnh nguy hiểm như tiểu đường, bệnh thận, ung thư tử cung…
Nhưng sau khi kiểm tra mẫu khối u ở hơn 13.000 bệnh nhân ung thư cùng 60.000 người bình thường khắp thế giới, các nhà khoa học đã phát hiện rủi ro mắc u ác tính không liên quan gì tới tỷ lệ chiều cao cân nặng mà gắn liền với những người mang intron 1, các biến thể của gen FTO - yếu tố di truyền quan trọng nhất của bệnh béo phì.
“Ảnh hưởng của gen FTO có tầm ảnh hưởng rộng hơn so với dự đoán trước đây và liên quan nhiều tới các khối u ác tính đặc biệt là ung thư da”, tiến sĩ Mark Iles, chuyên gia Ung thư tại Đại học Leeds, Vương Quốc Anh cho hay.
Ông Julie Sharp, quản lý khoa học thông tin của Viện nghiên cứu ung thư phát biểu: "Phát hiện thú vị này có khả năng cung cấp một hướng đi mới cho các loại thuốc điều trị khối u ác tính”.
9. Mất ngủ làm tăng nguy cơ suy tim
TS. Lars Laugsand, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Y tế cộng đồng thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu từ những người tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Nord-Trondelag (HUNT) từ năm 1995-1997 và tất cả đều không từng bị suy tim tại thời điểm này. Và đến năm 2008, đã có tổng cộng 1.412 trường hợp bị suy tim.
Những người tham gia vào nghiên cứu sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến giấc ngủ như: Có gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ? với các câu trả lời lựa chọn như “không bao giờ”, “thỉnh thoảng”, “thường xuyên” và “hầu như mỗi đêm”; Có bao giờ thức dậy vào buổi sáng mà không thấy thoải mái? với các câu trả lời là “không bao giờ, vài lần 1 năm”, “1-2 lần/tháng”, “1 lần/1 tuần”, “>1 lần/tuần”.
Sau khi xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, giáo dục, ca làm việc, huyết áp, cholesterol, tiểu đường, chỉ số cơ thể, hoạt động thể chất, hút thuốc lá, rượu, bất kỳ cơn đau tim nào trước đó, trầm cảm và lo âu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ hầu như mỗi đêm, và mức độ thức dậy vào buổi sáng mà không thấy thoải mái nhiều hơn một lần một tuần có liên quan tới việc tăng nguy cơ suy tim khi so sánh với những người không bao giờ hoặc hiếm khi bị những triệu chứng này.
Khi nhìn vào số lượng các triệu chứng, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nguy cơ suy tim cao gấp 3 lần (353%) dựa vào số liệu thống kê ở những người có cả 3 triệu chứng mất ngủ so với những người không có triệu chứng sau khi đã xem xét các yếu tố tác động khác ngoại trừ trầm cảm và lo âu. Còn nếu xét thêm yếu tố trầm cảm và lo âu thì nguy cơ suy tim cao hơn gấp 4 lần (425%).
Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, giảm cân và không hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ suy tim cũng như chứng mất ngủ.
TS Laugsand cho biết: “Chúng tôi liên hệ nguy cơ suy tim với 3 triệu chứng chính của mất ngủ là khó ngủ, các vấn đề duy trì giấc ngủ và không cảm thấy thoải mái khi thức dậy vào buổi sáng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra rằng những người bị chứng mất ngủ có nguy cơ suy tim cao. Những người có đồng thời cả 3 triệu chứng có nguy cơ cao hơn đáng kể so với những người không có triệu chứng hoặc chỉ có 1 hay 2 triệu chứng”.
Ông cũng cho biết cần nghiên cứu thêm để khẳng định liệu mất ngủ có gây suy tim.
“Vẫn chưa rõ lý do tại sao mất ngủ có liên quan đến nguy cơ suy tim cao. Chúng tôi có một số dấu hiệu cho thấy rằng đó có thể là do nguyên nhân sinh học. Một sự giải thích có thể đưa ra là khi mất ngủ cơ thể tiết ra hormon gây căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng của tim. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về vấn đề này”.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tim mạch châu Âu.
10. Phương pháp mới phát hiện sớm ung thư buồng trứng
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) đã phát triển một phương pháp xét nghiệm máu mới để phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm.
Ung thư buồng trứng chủ yếu chỉ được phát hiện vào giai đoạn muộn. Đó là khi tình trạng ung thư đã lan rộng ra ngoài các buồng trứng. Ở giai đoạn này, cắt bỏ hoàn toàn khối u là rất khó khăn và cơ hội sống sót của bệnh nhân khá thấp.
Chẩn đoán càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao. Tuy nhiên, những triệu chứng ở giai đoạn sớm thường không được chú ý, chẳng hạn như sưng, thay đổi khẩu vị và mệt mỏi.
Để chẩn đoán ung thư buồng trứng trong giai đoạn sớm, nhóm nghiên cứu tập trung tìm hiểu những thay đổi ADN trong máu vì cho rằng những thay đổi này có thể liên quan đến nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Đây là phương pháp xét nghiệm máu “độc đáo” và “đầu tiên trên thế giới”, Australian Women’s Weekly dẫn lời tiến sĩ Goli Samimi từ Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, người đứng đầu cuộc nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng không xâm lấn là rất cần thiết đối với nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người mà lịch sử gia đình có người mắc bệnh ung thư buồng trứng.
11. Chế độ ăn giàu chất xơ tốt cho tim
Chuyên gia cho biết chế độ ăn giàu chất xơ không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn tốt cho tim.
Jody Gilchrist thuộc Đại học Alabama, Birmingham (Anh) nói chất xơ từ hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên cám và đậu đã được nghiên cứu chứng minh là giúp giảm cholesterol. Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến nghị mỗi người cần ít nhất 25g chất xơ/ngày. Hiệp hội Tim Hoa Kỳ khuyến cáo dùng 14g chất xơ/1.000calo tiêu thụ, và ít nhất 10g từ chất xơ hòa tan.
Chất xơ hòa tan khiến bạn no nhanh, giúp kiểm soát lượng ăn. Nghiên cứu cho thấy chất xơ hòa tan cũng giúp giảm cholesterol "xấu" bằng cách tác động đến cách cơ thể hấp thu cholesterol từ thực phẩm.
Gilchrist nói một trong những cách để tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn là dùng thêm các sản phẩm bổ sung chất xơ cho cà phê, sữa chua, ngũ cốc, súp hoặc các thực phẩm khác. Ngoài ra cần tăng lượng chất xơ một cách từ từ và uống nhiều nước.
12. Giảm đau do chấn thương cột sống
Các nhà khoa học tuyên bố đã phát minh một thiết bị cấy xương sống mang tính đột phá, có thể cho phép bệnh nhân bị liệt khôi phục khả năng đi lại, giảm đau ở người chấn thương cột sống.
Các chuyên gia của Bệnh viện Guy và Thánh Thomas ở Anh đã công bố thiết bị cấy ghép mới được đánh giá có thể khắc phục tình trạng của những bệnh nhân bị chấn thương cột sống.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã trình bày số liệu về cuộc thử nghiệm đầu tiên, thực hiện trên 83 người.
Theo đó, thiết bị hoạt động bằng cách làm gián đoạn các tín hiệu đến não, giúp người bệnh giảm đau.
Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Adnan Al-Kaisy cho biết: “Thiết bị này mở ra một biên giới trong lĩnh vực khống chế cơn đau. Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp mới có thể ngưng dùng thuốc giảm đau, trở về cuộc sống bình thường”.
Đến nay, cuộc nghiên cứu đã được tiến hành ở những người bị đau lưng và chân một cách trầm trọng do chấn thương cột sống.
Tuy nhiên, các chuyên gia tự tin cho rằng thiết bị này cũng có thể dùng điều trị những tình trạng đau đớn khác như đau nửa đầu và tổn thương dây thần kinh.
13. Tại sao một số người hay bị mụn?
Da của tất cả mọi người đều chứa vi khuẩn gây mụn nhưng chỉ 1/5 số người trong chúng ta từng bị mụn trong suốt cuộc đời mình. Kết quả một nghiên cứu mới đã giúp lí giải hiện tượng này.
Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học California, Los Angeles, Mỹ (UCLA) đã khám phá được nhiều điều mới về loại vi khuẩn cư trú trên da người và gây mụn.
Họ phát hiện, loại vi khuẩn này chứa cả chủng “xấu”, chuyên gây mụn nhọt và chủng “tốt”, có khả năng bảo vệ làn da của chúng ta.
Theo nhóm nghiên cứu, có quá nhiều vi khuẩn thuộc chủng “xấu” là nguyên nhân da bị mọc mụn. Hiện tượng này tương tự như sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột, vốn dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa.
Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao một số người lại sở hữu nhiều vi khuẩn thuộc chủng “xấu” hoặc “tốt” hơn, hay cái nào có trước – mụn hay vi khuẩn.
Các yếu tố khác, chẳng hạn như cấu trúc gen hoặc sự nhạy cảm của hệ miễn dịch của mỗi cá nhân cũng có thể quyết định chủng vi khuẩn “tốt” hay “xấu” phát triển trên da.
Công trình nghiên cứu trên mở ra hy vọng mới đối với những người bị nổi mẩn mụn nhọt trên da. Thống kê cho thấy, có khoảng 80% số người trong độ tuổi từ 11-30 tuổi bị mụn nhọt. Tình trạng này tiếp tục phát triển trong đời sống của người trưởng thành, với khoảng 5% phụ nữ và 1% đàn ông trên 25 tuổi tiếp tục mắc bệnh lý về da này.
Các tác giả nghiên cứu tin rằng, việc tăng chủng vi khuẩn thân thiện với cơ thể người thông qua sử dụng một loại kem hoặc dưỡng chất nhất định có thể giúp làm dịu những làn da bị mụn nhọt.
Tiến sĩ Huiying Li, một thành viên nhóm nghiên cứu, tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng có thể ứng dụng các phát hiện của mình để phát triển những phương pháp mới giúp ngăn chặn mụn nhọt trên da từ trước khi chúng phát lộ và cho phép các chuyên gia da liễu điều chỉnh cách chữa trị theo đặc điểm vi khuẩn hỗn hợp trên da độc nhất vô nhị của mỗi bệnh nhân”.
Công trình nghiên cứu mới được công bố không lâu sau khi các nhà khoa học đến từ trường Đại học New York phát hiện, chế độ ăn có ảnh hưởng tới làn da của mọi người. Theo họ, ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI) và uống sữa không chỉ làm trầm trọng tình trạng mụn nhọt mà còn có thể kích thích mọc mụn.
14. Vi khuẩn - một phần tất yếu của... nhân loại
Như chúng ta biết, động vật là nơi trú ngụ của vô số vi sinh vật. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, một số “kẻ sống bám” tí hon này có khả năng khiến con người lâm trọng bệnh, trong khi số khác lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hệ động - thực vật bình thường bên trong cơ thể chúng ta.
Cơ thể người dung chứa nhiều vi sinh vật hơn tế bào
Cơ thể con người đầy ắp vi trùng. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, bên trong cơ thể bạn, số lượng tế bào vi khuẩn nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào của con người. “Số lượng chính xác là bao nhiêu không quan trọng. Điều đáng lưu tâm là, các tế bào vi khuẩn trong cơ thể của chúng ta chắc chắn nhiều hơn các tế bào của con người", nhà vi sinh vật Martin Blaser đến từ Trường Dược, Đại học New York, nhấn mạnh.
Khi con người tiến hóa, những vi khuẩn này cũng tiến hóa cùng với chúng ta. Rất nhiều loại virus cũng gọi cơ thể con người là “nhà”.
Con người sinh ra không có vi khuẩn
Do có rất nhiều vi khuẩn sống bên trong cơ thể người nên có quan điểm cho rằng, chúng đã có mặt ở đó từ khi chúng ta chào đời. Tuy nhiên, sự thực không phải vậy. Theo chuyên gia Blaser, khi mới sinh ra, cơ thể con người không chứa vi khuẩn và chỉ dần dần “có” chúng trong vài năm đầu đời.
Trẻ em đón nhận đợt vi khuẩn đầu tiên khi đi qua khe sinh nở của người mẹ (đối với những phụ nữ đẻ thường). Tất nhiên, những đứa trẻ sinh mổ không nhận được vi sinh vật theo cách này. Trong thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ sinh mổ có hệ vi sinh vật rất khác so với trẻ sinh thường và có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị mắc một số loại bệnh dị ứng nhất định và béo phì.
Theo ông Blaser, một đứa trẻ thu nhận được phần lớn thành viên trong hệ vi sinh vật của nó lúc 3 tuổi, thời điểm sự trao đổi chất, các hệ thống miễn dịch, nhận thức và sinh sản của trẻ đang trải qua quá trình phát triển mở rộng.
Vi khuẩn vừa có lợi vừa gây hại cho người
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khi một số vi khuẩn có thể khiến bạn bị ốm, số khác lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của bạn và giúp bạn chống lại việc nhiễm trùng. Đôi khi, cùng một loại vi khuẩn có thể tạo ra cả 2 ảnh hưởng ấy.
Lấy ví dụ trường hợp của Helicobacter pylori, vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Vi khuẩn này từng được tìm thấy ở hầu hết mọi người trên Trái đất, nhưng sự phổ biến của chúng đã dần giảm xuống và hiện chỉ có khoảng một nửa dân số thế giới dung chứa chúng. Hầu hết số vi khuẩn này không gây ra triệu chứng, nhưng một số lượng nhỏ chúng phát triển thành các vết loét đau đớn trong đoạn có tính acid của đường tiêu hóa (một phát hiện đã được trao giải Nobel Y học năm 2005).
Các nhiễm khuẩn do Helicobacter gây ra có thể chữa trị được bằng thuốc kháng sinh, nhưng ông Blaser và các cộng sự phát hiện, sự thiếu vắng loại vi khuẩn này dường như liên quan tới việc xuất hiện các bệnh thực quản, chẳng hạn như viêm thực quản trào ngược và một số bệnh ung thư thực quản. Mặc dù không phải tất cả các nhà khoa học đều tán đồng quan điểm này nhưng “có nhiều bằng chứng cho thấy Helicobacter vừa có lợi, vừa gây hại xét về mặt sinh học”, ông Blaser nói.
Kháng sinh có thể gây bệnh hen và béo phì
Penicillin là một đột phá quan trọng khi Alexander Fleming phát hiện ra nó vào năm 1928. Thuốc kháng sinh được ưa chuộng rộng rãi kể từ đó, nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn tới việc tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh chết người, chẳng hạn như Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA).
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thu được một số bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm ruột và béo phì.
Tất nhiên, có những thời điểm việc dùng thuốc kháng sinh là bất khả kháng, đặc biệt đối với một đứa trẻ bị bệnh rất nặng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Blaser quả quyết, nhiều bệnh thường gặp ở trẻ em, chẳng hạn như nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng cổ họng, sẽ tự biến mất.
Công dụng của các chế phẩm lợi khuẩn bị phóng đại
Việc công nhận vi khuẩn có thể hữu ích đối với con người đã dẫn tới một cơn sốt các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn, bao gồm các vi khuẩn sống được cho là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhiều người sử dụng chúng sau một đợt dùng thuốc kháng sinh. Nhưng liệu chúng có thực sự hữu ích?
"Quan niệm về việc lợi khuẩn giúp tái lập hệ vi sinh vật cơ bản sau khi dùng thuốc kháng sinh là đúng. Nhưng ý tưởng cho rằng, trong tổng số hàng ngàn vi sinh vật trong cơ thể chúng ta, chỉ sử dụng một loài chiết xuất từ bò hoặc bơ là quá ngây thơ”, nhà nghiên cứu Blaser nói. Theo ông, các chế phẩm lợi khuẩn hiện tại được quảng cáo quá tốt nhưng thực tế không mang lại nhiều lợi ích. Ông Blaser tuyên bố, ngành dược một ngày nào đó sẽ phát triển được các sản phẩm lợi khuẩn hữu dụng cho việc chữa trị bệnh tật, nhưng trong thời điểm hiện tại “vẫn còn là một lĩnh vực quá non trẻ”.
15. Nghiên cứu mới về vitamin B và bệnh nhân đột quỵ
Theo hãng tin UPI, các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng uống vitamin B hàng ngày vẫn không giúp ngăn ngừa được sự suy giảm nhận thức ở những người từng bị đột quỵ hoặc một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
Đột quỵ có liên quan đến một sự gia tăng suy giảm nhận thức và sự xuống cấp của các chức năng nhận thức như trí nhớ và sự tư duy.
Nhóm chuyên gia thuộc Hiệp hội Đột quỵ Mỹ đã nghiên cứu liệu vitamin B có giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức sau một cơn đột quỵ hay không.
Hơn 8.000 người sống sót sau đột quỵ hoặc thiếu máu não tạm thời đã được cho uống ngẫu nhiên 1 viên vitamin B chứa 2mg acid folic, 25mg B6 và 500mg B12, hoặc 1 viên giả dược mỗi ngày.
Khoảng 2.200 bệnh nhân đã thực hiện một cuộc kiểm tra trạng thái tâm thần về nhận thức vào lúc bắt đầu cuộc nghiên cứu và mỗi 6 tháng trong một khoảng thời gian bình quân 2 năm 8 tháng.
Cuộc nghiên cứu không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa những trường hợp suy giảm nhận thức trong số những đối tượng uống vitamin B so với nhóm dùng giả dược.