1. Cắt buồng trứng: nguy cơ viêm khớp, loãng xương
2. Nên đưa trẻ đi tiêm chủng vào buổi chiều
3. Ăn cá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
4. Dùng kháng sinh dễ gây khò khè
5. Cân nặng khi sinh quá thấp ảnh hưởng đến IQ
6. Bổ sung protein sữa, đậu nành làm giảm HA tâm thu
7. Thiếu vitamin D dễ bị tiểu đường
8. Phương pháp mới điều trị đau lưng
9. Tìm ra cơ chế hoạt động enzym giúp kìm chế ung thư
10. Đường trong máu cao khiến bạn trông già hơn
11. Chữa chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc
12. Kiểm tra tim trong 6 phút
13. Uống trong khi ăn: lợi hay hại?
14. Xông hơi có lợi cho bệnh nhân suy tim
2. Nên đưa trẻ đi tiêm chủng vào buổi chiều
3. Ăn cá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
4. Dùng kháng sinh dễ gây khò khè
5. Cân nặng khi sinh quá thấp ảnh hưởng đến IQ
6. Bổ sung protein sữa, đậu nành làm giảm HA tâm thu
7. Thiếu vitamin D dễ bị tiểu đường
8. Phương pháp mới điều trị đau lưng
9. Tìm ra cơ chế hoạt động enzym giúp kìm chế ung thư
10. Đường trong máu cao khiến bạn trông già hơn
11. Chữa chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc
12. Kiểm tra tim trong 6 phút
13. Uống trong khi ăn: lợi hay hại?
14. Xông hơi có lợi cho bệnh nhân suy tim
1. Cắt buồng trứng: nguy cơ viêm khớp, loãng xương
Nghiên cứu mới đây cho thấy gần một nửa số phụ nữ dưới 45 tuổi cắt buồng trứng dễ có chẩn đoán viêm khớp và loãng xương hơn.
Các nhà nghiên cứu của trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg đã phân tích dữ liệu về hơn 7.700 phụ nữ từ điều tra sức khỏe toàn quốc của Mỹ (NHANES III).
Khoảng 45% phụ nữ cắt bỏ buồng trứng có chẩn đoán viêm khớp so với tỷ lệ là 32% trong nhóm những phụ nữ không phải tiến hành thủ thuật này.
Phụ nữ cắt bỏ buồng trứng trước tuổi 45 và không sử dụng liệu pháp hormon thay thế có mật độ xương trung bình thấp hơn so với phụ nữ vẫn còn buồng trứng.
Các nhà nghiên cứu kết luận phụ nữ cắt bỏ buồng trứng để dự phòng bệnh ung thư cần theo dõi chặt chẽ bệnh loãng xương trong cuộc sống sau này.
2. Nên đưa trẻ đi tiêm chủng vào buổi chiều
Tiêm chủng vào buổi chiều (sau 13 giờ 30 phút), cơ thể trẻ sơ sinh phản ứng mang tính hợp tác với vaccin hơn.
Đây là kết luận rút ra sau quá trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California, Mỹ được công bố trên FoxNews.com.
Các nhà khoa học thuộc Đại học California, Mỹ, đã tiến hành quan sát 70 trẻ sơ sinh, một nửa được tiêm vaccin vào buổi sáng và một nửa được tiêm vào buổi chiều.
Kết quả cho thấy, tiêm chủng vào buổi sáng, khi trẻ sơ sinh thường đang ngủ sâu giấc khiến cơ thể trẻ sơ sinh tăng sản xuất kháng thể, tạo phản ứng miễn dịch với vaccin. Trong khi vào buổi chiều (sau 13 giờ 30 phút), cơ thể trẻ sơ sinh nhìn chung phản ứng mang tính hợp tác với vaccin hơn.
3. Ăn cá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch ngày 5/12 cho biết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nếu thường xuyên ăn cá, một thực phẩm giàu axit béo omega-3.
Đây là nghiên cứu đầu tiên được khảo sát trên những phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 49, nhằm xác định liệu việc đưa cá vào thực đơn hàng ngày có thực sự tác động đến khả năng mắc các bệnh lý về tim thay vì gia tăng tuổi thọ hay không.
Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 49.000 phụ nữ có độ tuổi trung bình là 30 trong vòng 8 năm. Những người phụ nữ này được phỏng vấn qua điện thoại về lịch sử gia đình, phong cách sống và mức độ tiêu thụ cá. Kết quả cho thấy những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn cá có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn 50% những người thường xuyên ăn cá.
Bên cạnh đó, những phát hiện được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ dựa trên nghiên cứu trên cũng cho biết những phụ nữ không ăn cá thường có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch cao gấp 3 lần. Đây là kết luận được các nhà nghiên cứu đưa ra khi xem xét các báo cáo của bệnh viện về bệnh tim mạch theo 3 đánh giá khác nhau trong vòng 30 tuần.
Thông thường, những phụ nữ được ghi nhận thường xuyên ăn những loài cá giàu acid béo không bão hòa omega-3 như cá tuyết, cá hồi, cá trích hay cá thu đều cho rằng ăn cá sẽ giúp họ chống lại các bệnh về tim và mạch máu.
Theo ông Marin Strom, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm hỗ trợ các chương trình cho thai nhi tại Viện Statens Serum ở Copenhagen, Đan Mạch, phụ nữ sẽ thấy được rất nhiều lợi ích lớn từ cá và dầu cá nếu tuân thủ các chỉ dẫn về chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời ăn cá trong các bữa chính ít nhất 2 lần/tuần.
4. Dùng kháng sinh dễ gây khò khè
Nghiên cứu gần đây của tác giả Emma Goksör, Đại học Gothenburg, Thụy Điển, đã kết luận: bà mẹ mang thai sử dụng acetaminophen (thuốc giảm đau hạ sốt ) hoặc cho các bé sơ sinh sử dụng kháng sinh phổ rộng trong tuần đầu đời dễ gây khò khè lúc bé lớn ở độ tuổi mẫu giáo.
Trong khi đó, nếu cho bé ăn cá trước 9 tháng tuổi có thể làm giảm nguy cơ này.
Qua nghiên cứu trên 4.496 bé, cho thấy nếu bé dùng kháng sinh trong tuần đầu sau sinh sẽ có nguy cơ khò khè cao hơn gấp đôi. Nếu bé được cho ăn cá trước 9 tháng tuổi sẽ giảm 40% nguy cơ khò khè tái diễn. Các bà mẹ mang thai có sử dụng acetaminophen thì con có nguy cơ cao gấp đôi bị khò khè do các yếu tố kích ứng.
5. Cân nặng khi sinh quá thấp ảnh hưởng đến IQ
Trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1,5kg dễ giảm chức năng ghi nhớ và IQ khi trưởng thành.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy những người trưởng thành có cân nặng khi sinh quá thấp dễ gặp các vấn đề về ghi nhớ và chú ý hơn so với những người có cân nặng khi sinh ở mức trung bình hoặc thấp.
Nghiên cứu này gồm 103 người trưởng thành có cân nặng khi sinh rất thấp (dưới 1,5kg) và 105 người trưởng thành khác có cân nặng khi sinh cao hơn. Những người tham gia độ tuổi từ 21 đến 30 và phải hoàn thành các bài kiểm tra đánh giá kỹ năng tư duy bao gồm từ vựng, khả năng hiểu từ, ghi nhớ và IQ.
Kết quả cho thấy những người trưởng thành có cân nặng khi sinh quá thấp thực hiện các bài kiểm tra về khả năng tư duy nói chung, khả năng quản lý, chú ý và ghi nhớ chậm hơn so với những người có cân nặng khi sinh ở mức trung bình hoặc thấp. Những đối tượng có cân nặng khi sinh quá thấp có điểm số kiểm tra IQ thấp hơn trung bình là 8,4 điểm.
Nghiên cứu được đăng trên số ra ngày 6/12 của tạp chí Neurology.
6. Bổ sung protein sữa, đậu nành làm giảm HA tâm thu
Nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn bổ sung protein sữa và đậu nành làm giảm huyết áp (HA) tâm thu khi so sánh với chế phẩm bổ sung carbohydrat cho các bệnh nhân tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp.
Jiang He thuộc trường Đại học Tulane ở New Orleans, Los Angeles và các đồng nghiệp báo cáo “Những kết quả này cho thấy thay thế một phần carbohydrat bằng dùng protein sữa hoặc đậu nành có thể là một cấu thành quan trọng của dinh dưỡng can thiệp vào chiến lược phòng ngừa và điều trị cao HA.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đối chứng giả dược, mù đôi, ngẫu hóa này gồm 352 người lớn bị HA tâm thu trung bình là 126,7 mmHg và HA tâm trương trung bình là 82,4 mmHg.
Trong giai đoạn đầu điều trị, những người tham gia nhận một chế độ ăn bổ sung 40g carbohydrat phức hợp. Sau đó họ được tách ra thành 3 nhóm cho giai đoạn can thiệp thứ 2 và chọn ngẫu nhiên để điều trị bằng 40g protein đậu nành bổ sung hàng ngày, 40g protein sữa, hoặc 40g carbohydrat (giả dược) trong 8 tuần chia rải trong thời gian 3 tuần.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy HA tâm thu trung bình của những người tham gia đã giảm xuống 1,5mmHg từ lúc bắt đầu bổ sung protein đậu nành (p=0,002), và 1,8 mmHg từ lúc bắt đầu bổ sung protein sữa (p<0,001). Ngược lại, HA tâm thu vẫn giống như lúc ban đầu với bổ sung carbohydrat. Hơn nữa, HA tâm thu trung bình của những người tham gia nghiên cứu thấp hơn đáng kể 2,0 mmHg khi dùng chất bổ sung protein đậu nành so với khi họ dùng chất bổ sung carbohydrat (p=0,002). Tương tự vậy, trong thời gian bổ sung protein sữa HA tâm thu thấp hơn 2,3 mmHg so với trong thời gian bổ sung carbohydrat (p=0,0007). HA tâm trương cũng giảm trong thời gian bổ sung protein sữa và đậu nành so với bổ sung carbohydrat nhưng thay đổi này là không đáng kể. Không có sự khác biệt đáng kể giữa giảm mức HA tâm thu đạt được bằng bổ sung protein sữa và đậu nành.
7. Thiếu vitamin D dễ bị tiểu đường
ác nhà nghiên cứu Mỹ cho biết mức vitamin D thấp phổ biến hơn ở trẻ em béo phì và có liên quan đến những yếu tố rủi ro gây bệnh tiểu đường týp 2.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Micah Olson tại Trung tâm Y khoa Tây Nam thuộc Đại học Texas ở thành phố Dallas nói rằng, mức thiếu hụt vitamin D cao được ghi nhận ở các cộng đồng béo phì, và các nghiên cứu trước đây đã gắn kết mức vitamin D thấp với bệnh tim mạch và tiểu đường týp 2, nhưng chưa hoàn toàn hiểu rõ tại sao có mối liên hệ này.
Ông Olson và các cộng sự đã đo mức vitamin D, đường huyết, nồng độ insulin huyết thanh, chỉ số trọng lượng cơ thể và huyết áp ở 411 người béo phì và 87 người không bị thừa cân để đối chứng.
Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu cung cấp thông tin về mức hấp thu soda, nước trái cây và sữa hằng ngày, lượng rau quả ăn vào mỗi ngày và liệu họ có thường bỏ bữa ăn sáng hay không.
Ông Olson phát biểu: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trẻ em béo phì có mức vitamin D thấp có mức kháng insulin cao hơn. Dù còn phải nghiên cứu thêm, nhưng phát hiện trên cho thấy mức vitamin D thấp có vai trò trong việc phát triển bệnh tiểu đường týp 2”.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận những thói quen ăn uống không lành mạnh như bỏ bữa ăn sáng và tăng cường hấp thu soda có liên quan đến mức vitamin D thấp ở trẻ béo phì.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Clinical Endocrinology & Metabolism.
8. Phương pháp mới điều trị đau lưng
Những bệnh nhân đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống gây chèn ép dây thần kinh sẽ có thêm chọn lựa mới nếu không muốn phẫu thuật.
Phương pháp được các nhà nghiên cứu Đức áp dụng là tiêm khí ôzon kết hợp với thuốc kháng viêm nhóm steroid trực tiếp vào đĩa đệm bị thoát vị, dưới sự hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
Với tác dụng giảm viêm và làm co nhỏ đĩa đệm bị thoát vị, nhờ đó làm giảm sự chèn ép các dây thần kinh, liệu pháp khí ôzon đã được áp dụng để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân (chủ yếu tại châu Âu) đau lưng vùng dưới trong những năm gần đây.
Qua nghiên cứu thực hiện trên 327 bệnh nhân bị đau lưng, gần 40% bệnh nhân cho thấy họ không còn đau lưng trong sáu tháng, khoảng 30% cho rằng họ giảm đau nhiều và thỉnh thoảng mới xuất hiện cơn đau, khoảng 20% cho rằng họ chỉ giảm đau chút ít với phương pháp này và khoảng 10% phải phẫu thuật mới giải quyết được tình trạng đau.
Tuy cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh hiệu quả, nhưng các nhà khoa học vẫn hi vọng phương pháp này sớm trở thành một trong những điều trị chuẩn cho chứng đau lưng.
9. Tìm ra cơ chế hoạt động enzym giúp kìm chế ung thư
Lần đầu tiên trên thế giới, một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã khám phá ra cơ chế hoạt động enzym có thể kiềm chế tốc độ phát triển của bệnh ung thư.
Giáo sư Kim Sung-hoon thuộc trường Đại học quốc gia Seoul và nhóm nghiên cứu của mình đã quan sát các tế bào ung thư có chuỗi ADN bị tia cực tím tiêu hủy.
Trong các tế bào bị xử lí này, họ nhận thấy một loại enzym cùng nguồn gốc có tên là MRS (Methionyl-tRNA Synthetase) không thể thực hiện quá trình sinh tổng hợp protein như nó vẫn thực hiện được trong các tế bào thường.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện có tồn tại sự tương đồng giữa các bệnh nhân ung thư. Đó là quá trình sinh tổng hợp protein và sự biến đổi ADN đều tăng cùng lúc, tuy nhiên họ chưa giải thích được nguyên nhân vì sao.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc cho thấy khi phát hiện được chuỗi ADN bị phá hủy, MRS sẽ thực hiện 2 chức năng của nó để kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nhờ nghiên cứu này, người ta hi vọng có thể tìm ra phương pháp phát triển thuốc chống ung thư mới.
10. Đường trong máu cao khiến bạn trông già hơn
Nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành Age là công trình đầu tiên chỉ ra mối liên quan giữa mức đường máu cao với ngoại hình.
Theo các nhà khoa học, những người có lượng đường trong máu cao hơn mức trung bình trông già hơn những người có mức đường thấp. Lượng đường trong máu tăng có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc không luyện tập thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu đo lượng đường trong máu của 602 người, trong khi một nhóm gồm 60 giám định viên độc lập nghiên cứu ảnh của những người đó. Kết quả cho thấy, người khỏe mạnh với lượng đường trong máu thấp nhìn trẻ hơn khoảng 1 tuổi so với những người có lượng đường cao, và trẻ hơn 1 tuổi rưỡi so với bệnh nhân tiểu đường.
Nguyên nhân lão hóa có thể do lượng đường tích tụ bám vào collagen, loại protein giúp da giữ được sự mềm mại, đàn hồi. David Gunn, chủ nhiệm nghiên cứu của Unilever, cho biết: "Những người có lượng đường cao nhìn già hơn. Những người bị bệnh tiểu đường trông còn già hơn nữa. Điều này cho thấy bạn nên có một lối sống lành mạnh vì nó sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như sức khỏe của bạn".
11. Chữa chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản vừa chữa trị thành công các chấn thương tủy sống cho một chú chuột bằng cách sử dụng các tế bào gốc đặc biệt lấy từ răng của con người.
Nhóm nghiên cứu trên, do giáo sư Minoru Ueda và phó giáo sư Akihito Yamamoto của Đại học Nagoya chỉ đạo, đã phát hiện các tế bào gốc nằm trong tủy răng của các em bé và các răng khôn có khả năng phát triển thành hàng loạt loại tế bào khác nhau, trong đó có dây thần kinh.
Họ đã cấy các tế bào đa năng này vào 10 con chuột có chân sau không cử động được do bị chấn thương tủy sống. Chỉ khoảng một tháng sau, tất cả chân của chúng đều có thể cử động. Thậm chí một số con đã phục hồi khả năng vận động như bình thường.
Nhóm nghiên cứu cho biết tất cả mọi người đều có các tế bào gốc tủy răng và có thể dễ dàng chiết xuất. Các tế bào này cực kỳ an toàn và có thể ứng dụng trong thực tiễn. Theo giáo sư Ueda, Đại học Nagoya thường giúp lấy khoảng 5.000 răng khôn/năm. Họ có thể bào chế thuốc từ các răng này trong tương lai.
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào hiệu quả để chữa trị chấn thương tủy sống. Người ta hi vọng có thể sản xuất các loại thuốc tái sinh các tế bào gốc từ trứng được thụ tinh (ES) và các tế bào gốc đa năng (iPS). Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng các tế bào ES và iPS có thể gây ra các vấn đề về đạo đức và có nguy cơ gây ung thư.
12. Kiểm tra tim trong 6 phút
Tim bạn có vấn đề, cùng với thời gian nó ngày càng suy yếu. Để kiểm tra xem trái tim có đạt trạng thái ổn định hay không, bạn có thể tự kiểm tra bằng một phương pháp hết sức đơn giản.
Để tiến hành phương pháp do các nhà khoa học Mỹ xây dựng, bạn cần có một quãng đường 30,5m, ngoài trời hay trong nhà tùy ý, và một chiếc đồng hồ đeo tay. Hãy đi từ đầu này tới đầu kia và ngược lại liên tục trong 6 phút, tuy nhiên cần dừng lại nếu thấy thở gấp và đau ngực. Kết quả có thể được tính theo 4 cấp: cấp 1 - tối đa 300m, cấp 2 - từ 300m đến 374,9m, cấp 3 - từ 375m đến 449,9m và cấp 4 - từ 450m trở lên. Nếu bạn chỉ thỏa mãn được cấp 1 thì sức khỏe tim của bạn đang không ổn chút nào. Theo thống kê, so với những người đạt được cấp 4, những người ở cấp 1 sẽ có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao gấp 3 lần và khả năng phải nhập viện trong vòng 8 tháng vì bệnh tim cao gấp 10 lần. Với phương pháp này, bạn hoàn toàn có thể đánh giá tình trạng tim của mình trước và sau khi điều trị, cũng như dự đoán trước xem lúc nào cần đi bệnh viện.
13. Uống trong khi ăn: lợi hay hại?
Rất nhiều người uống trong khi ăn bởi họ thấy ngon miệng, dễ nuốt thức ăn hơn. Nhưng đó chỉ là “bề nổi”, ẩn sâu trong đó là những nguy cơ…
Trên thời báo timesofindia, chuyên gia tư vấn chế độ ăn chay người Ấn Độ, ông Shonali Sabherwal cho biết “Hầu hết mọi người uống nước trong khi ăn bởi cho rằng nước có thể khiến thức ăn đi xuống một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ không biết rằng đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và có hại cho hệ tiêu hóa”.
Ông Shonali giải thích rằng uống nước trong khi ăn có thể gây ức chế hệ thống tiêu hóa và làm tăng đáng kể lượng insulin. Đối với những người gặp vấn đề với đường tiêu hóa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều.
“Dạ dày có khả năng nhận biết thời điểm chúng ta ăn và ngay lập tức tiết ra các dịch tiêu hóa. Nếu bắt đầu uống nước ngay lúc này đồng nghĩa với việc làm trôi đi các dịch vị vốn được tiết ra để tiêu hóa thức ăn bởi vậy sẽ làm giảm hoạt động của hệ thống tiêu hóa”, ông Shonali cho biết thêm.
Uống trong khi ăn cũng có thể làm tăng lượng insulin, kéo theo đó là tích trữ chất béo.
Để tránh uống nhiều nước trong khi ăn, ông Shonali đưa ra một số lời khuyên: không nên ăn thức ăn quá mặn bởi có thể gây khát nước và cố gắng ăn chậm.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng uống một chút nước trong bữa ăn không thực sự có hại nhưng uống 1, 2 hay thậm chí nhiều cốc nước sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng:“Tốt nhất là nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 2 giờ sẽ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn”.
14. Xông hơi có lợi cho bệnh nhân suy tim
Thường xuyên đến phòng xông hơi rất hữu ích cho bệnh nhân suy tim.
Kết luận này được một nhóm các nhà khoa học của Đại học Toyama (Nhật Bản) công bố trên tạp chí American Journal of Cardiology.
Nhóm trưởng Takashi Ohori và các đồng nghiệp đã nghiên cứu tác động của nhiệt độ cao đối với hệ thống tim mạch. Nghiên cứu được tiến hành với 40 tình nguyện viên là những bệnh nhân trung niên bị suy tim mạn tính.
5 lần/tuần, các tình nguyện viên dành 15 phút trong phòng xông hơi, sau đó quấn chăn quanh người khoảng 30 phút để duy trì nhiệt độ cơ thể cao trên mức bình thường. 3 tuần sau khi tiến hành thử nghiệm, chức năng bơm máu của tim những người tình nguyện được cải thiện đáng kể. Nhiệt độ cao của phòng xông hơi đã tác động tích cực đến các mạch máu trong cơ thể, làm tăng khả năng điều chỉnh huyết áp, đồng thời số lượng các tế bào gốc trong máu cũng được tăng cường.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị hiện hành của các chuyên gia tim mạch Mỹ, bệnh nhân suy tim không nên chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyên các bệnh nhân suy tim chỉ nên xông hơi dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.