Monday, September 24, 2012

Tin vắn y học tháng 9 - 2012

1. Ăn sữa chua giúp giảm nguy cơ cao huyết áp
2. Ngủ ít dễ béo phì
3. Nồng độ chì trong máu thấp dễ bị bệnh gút
4. Bệnh nào kỵ vitamin gì?
5. Ăn kiêng giàu protein không tốt cho tim mạch
6. Chất BPA trong vỏ đồ hộp khiến trẻ nhỏ béo phì
7. Ăn mặn liên quan với tăng huyết áp ở trẻ nhỏ
8. Tiêm laze không đau có thể thay thế kim tiêm
9. Xét nghiệm giúp dự báo sinh sớm
10. Đã phát hiện nguyên nhân gây viêm xoang mạn
11. Kiểm soát cơn giận dữ giúp giảm huyết áp
12. Steroid cải thiện tình trạng kém phát triển phổi của thai
13. Lợi ích của bắp ngô tím
14. Tác hại của chế độ ăn giàu estrogen ở thai phụ
15. Chất xơ trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ dị ứng
1. Ăn sữa chua giúp giảm nguy cơ cao huyết áp

Một nghiên cứu mới đây cho thấy ăn một hộp nhỏ sữa chua mỗi ngày có thể giảm 1/3 nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm hiểu chế độ ăn của khoảng 2.000 tình nguyện viên và thấy rằng những người thường xuyên ăn một hộp nhỏ sữa chua mỗi ngày ít bị mắc bệnh cao huyết áp hơn.

Cụ thể, những người nạp khoảng 2% tổng lượng calo mỗi ngày của họ từ sữa chua giảm được 31% nguy cơ bị cao huyết áp trong giai đoạn 15 năm so với những người không ăn sữa chua. Tương đương với ai đó thu nạp khoảng 40-50 calo từ sữa chua mỗi ngày (khoảng 60g sữa chua).

Calci tự nhiên trong sữa chua có thể giúp mạch máu mềm dẻo hơn và khiến mạch nở rộng một chút giúp duy trì huyết áp ổn định.

Kết quả nghiên cứu được chuyên gia sức khỏe công cộng của Đại học Minnesota, Huifen Wang, trình bày tại phiên họp của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ về cao huyết áp.
2. Ngủ ít dễ béo phì

Một nghiên cứu thú vị vừa được đăng trên tạp chí Canadian Medical Association Journal cho biết, ngoài chế độ ăn kiêng và tập thể dục, một giấc ngủ đầy đủ và có chất lượng sẽ giúp giảm béo hiệu quả.

Công trình nghiên cứu nói trên được các nhà khoa học Mỹ ở trường Đại học Chicag thực hiện với hai nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất chỉ ngủ 5,5 giờ/đêm còn nhóm thứ hai ngủ 8,5 giờ. Thời gian nghiên cứu kéo dài 14 ngày. Cả hai nhóm đều ăn kiêng giống nhau: 680 calo/ngày.

Kết quả, nhóm thứ nhất mất ít hơn nhóm thứ hai 45% lượng mỡ. Nói cách khác, ngủ đủ giấc có chất lượng sẽ tăng hiệu quả chế độ ăn kiêng, giúp giảm béo tốt hơn.

Mối liên hệ giữa giấc ngủ và bệnh béo phì đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đây. Trong một nghiên cứu đăng trên chuyên san Bio-Essays, nữ bác sĩ Cathy Wyse, trường đại học Aberdeen (Scotland), cho biết ngủ là một thành phần quan trọng của đồng hồ sinh học con người.

Tại sao 20 năm trước, số người béo phì không nhiều nhưng bây giờ thì một phần lớn dân số thế giới lại mắc bệnh này, kể cả ở những nước đang phát triển? Theo bác sĩ Cathy, đó là do cuộc sống hôm nay hối hả hơn, giờ giấc lao động, ăn, ngủ không còn theo nhịp đồng hồ sinh học con người.

Nếu đồng hồ này bị đảo lộn vì ăn uống không đúng giờ giấc, việc thức khuya, ngủ không đủ 8 giờ khiến các hoạt động các gen trong gan kiểm soát mỡ và đường bị rối loạn, dẫn đến cơ thể dư mỡ. Điều này, theo bà Cathy, giải thích vì sao công nhân đi ca đêm dễ mắc bệnh béo phì và chết yểu vì ăn uống ngủ nghỉ lệch đồng hồ sinh học.
3. Nồng độ chì trong máu thấp dễ bị bệnh gút

Nguy cơ bị bệnh gút bắt đầu tăng khi nồng độ chì của người lớn vượt hơn 1,2 mcg/dL.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng thậm chí nồng độ chì trong máu tương đối thấp cũng liên quan tới tăng nguy cơ bị bệnh gút, một dạng viêm khớp gây đau.

Các nhà nghiên cứu đã biết rằng phơi nhiễm chì nặng liên quan tới bệnh gút – một dạng viêm khớp trong đó các khớp định kỳ trở nên sưng, đỏ và nóng. Bệnh gút thường ảnh hưởng nhiều nhất ở ngón chân cái mặc dù nó cũng có thể tấn công bàn chân, mắt cá chân, khớp gối, bàn tay và cổ tay.

Nhưng các phát hiện mới này liên kết nguy cơ bị bệnh gút với nồng độ chì trong máu thấp – chỉ trong giới hạn hiện chấp nhận được ở người lớn.

Với người lớn, nồng độ chì trong máu ≤ 25 mcg/dL được xem là “không cao”.

Ở các nước phát triển - nơi các chính sách như loại bỏ chì khỏi xăng dầu và sơn đã cắt giảm nhiều sự phơi nhiễm của con người – nồng độ chì là thấp hơn nhiều so với ngưỡng. Ở Mỹ, nồng độ chì trung bình là khoảng 3 mcg/dL.

Nhưng trong nghiên cứu này, nguy cơ bị bệnh gút bắt đầu tăng khi nồng độ chì của người lớn vượt hơn 1,2 mcg/dL.

Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây đã liên kết nồng độ chì tương đối thấp với các nguy cơ khác, bao gồm làm trầm trọng thêm bệnh thận và tử vong do bệnh tim. Nhà nghiên cứu chính, TS. Eswar Krishnan, thuộc ĐH Y Stanford ở Palo Alto, California nói: “Tất cả những kết quả này cho thấy không có nồng độ chì nào là ‘an toàn’ hoặc ‘có thể chấp nhận được’”.

Nghiên cứu, được báo cáo trên tờ Annals of Internal Medicine.
4. Bệnh nào kỵ vitamin gì?

Vitamin không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe. Khi bạn có bệnh, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin các loại dưới dạng thực phẩm chức năng hay thuốc, chất khoáng cũng vậy.

Giáo sư bác sĩ Hilary Powers, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Trường đại học Sheffield (Mỹ), chia sẻ: “Một số bệnh có thể khiến cơ thể chúng ta phản ứng bất lợi với một loại vitamin và chất khoáng nào đó. Đặc biệt, thuốc chữa bệnh có thể tương tác với vitamin bổ sung theo hướng làm trầm trọng thêm bệnh”.

Dưới đây là những phát hiện mới nhất của các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế:

Loét dạ dày kỵ vitamin A:
Bệnh loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori thường được chữa trị bằng kháng sinh tetracyclin. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sylvia Turner, thành viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh quốc, sẽ là sai lầm nếu bạn dùng bổ sung quá nhiều vitamin A trong lúc chữa bệnh với tetracyclin.

Vitamin A giúp vết loét chóng lành, nhưng nếu dùng liều cao mỗi ngày (2,3mg hoặc hơn thay vì 0,7mg đối với nam và 0,6mg đối với nữ) từ tháng này sang tháng nọ thì sẽ dẫn đến chứng tăng áp lực nội sọ tự phát gây đau đầu, sưng thần kinh thị giác và ói mửa.

Bệnh tiểu đường kỵ vitamin B3: 
Vitamin B3, còn gọi là niacin, giúp cung cấp năng lượng từ thức ăn chúng ta dùng. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao (hơn 100mg/ngày) vitamin B3 trở nên có hại với những người bệnh tiểu đường.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, bổ sung quá nhiều vitamin B3 có thể làm tăng đường huyết bởi vì nó ngăn cản các tế bào máu hấp thu đường.

Bệnh tim kỵ vitamin E và kali:
Nếu trái tim bạn có vấn đề, không nên dùng vitamin E liều cao vì sẽ làm trầm trọng hơn căn bệnh tim của bạn. Đây là kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu Canada ở đại học McMaster. Họ đã theo dõi 10.000 người mắc bệnh tim, động mạch ngoại biên và tiểu đường suốt 7 năm trước khi phát hiện ra rằng uống mỗi ngày vitamin E liều cao (400IU, tức khoảng 363mg) liên quan đến tình trạng tăng 13% nguy cơ suy tim và tăng 21% nguy cơ nhập viện vì chứng suy tim nặng.

Thông thường, kali giúp ổn định nhịp tim, nhưng nếu dùng liều cao (trên 3.500mg/ngày) có thể làm loạn nhịp tim, không tốt cho những người có vấn đề tim mạch.

Bệnh loãng xương kỵ vitamin A và phospho:
Vitamin A và phospho đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với xương. Tuy vậy, nếu dùng không đúng liều, chúng sẽ làm giòn xương. Đối với phospho, bác sĩ Sylvia Turner cho biết: “Hàm lượng phospho trong máu cao (trên 1.000mg) có thể đẩy calci ra khỏi xương, làm tăng mức độ loãng xương”. Liều đúng, theo bà Sylvia, là không quá 250mg/ngày.

Đối với vitamin A, các nhà khoa học ở một bệnh viện đại học Thụy Điển đã tiến hành một cuộc nghiên cứu với 175 phụ nữ tuổi từ 28 đến 74. Một nhóm được cho uống retinol (một dạng vitamin A) trên 1,5mg/ngày. Nhóm còn lại dùng ít hơn 0,5mg/ngày. Kết quả cho thấy, mật độ xương nhóm trước thấp hơn nhóm sau từ 6 đến 14% và cứ thêm 1mg retinol, nguy cơ gãy xương tăng 68%. Nguyên nhân, vitamin A làm xương hao hụt calci hoặc ngăn cản xương hấp thụ calci.

Ung thư tuyến tiền liệt kỵ calci:
Bệnh này thường được chữa trị bằng liệu pháp hormon nhằm ngăn chặn việc sản xuất nội tiết tố nam testosteron, là thứ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng đồng thời cũng làm cho xương trở nên giòn (do thiếu testosteron) dễ bị gãy. Cho nên, liệu pháp này thường kèm thêm một liều bổ sung calci bổ xương.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây ở Trung tâm Y tế Wake Forest, Bắc Carolina (Mỹ), các nhà khoa học Mỹ phát hiện nếu bổ sung 500mg hoặc 1.000mg calci/ngày sẽ dẫn tới loãng xương đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
5. Ăn kiêng giàu protein không tốt cho tim mạch

Theo một nghiên cứu quy mô thực hiện trên phụ nữ Thụy Điển cho thấy chế độ ăn kiêng ít carbohydrat, giàu protein có thể đem lại những nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.

Cuộc nghiên cứu này được công bố trên tạp chí BMJ, thực hiện trên 43.396 phụ nữ được chọn ngẫu nhiên ở độ tuổi từ 30 đến 49, mỗi người điền vào một bảng câu hỏi về chế độ ăn kiêng. Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu này để tạo nên một thang điểm 20 điểm, điểm càng cao thì cho thấy tỉ lệ carbohydrate càng thấp so với lượng protein. Trong suốt 15 năm theo dõi, có 1.270 trường hợp gặp vấn đề về tim mạch, hầu hết là thương tổn tim do thiếu máu cục bộ, các vấn đề liên quan đến tim mạch và đột quỵ. Sau khi rà soát nhiều yếu tố có khả năng gây hại, các nhà nghiên cứu nhận thấy những phụ nữ có số điểm tăng lên 2 bậc thì có tỉ lệ bị sự cố về tim mạch tăng 5%. (Con số trên được tính toán từ hàm lượng carbohydrat nạp vào trung bình mỗi ngày giảm đi 20g và lượng protein tăng lên trung bình 5 g/ngày).

Vài cuộc nghiên cứu trước đó cũng có kết quả tương đồng. Một nghiên cứu năm 2006 thấy rằng gia tăng các ca tử vong do bệnh tim mạch là có liên quan đến chế độ ăn kiêng ít carbohydrat, nhưng con số thống kê không đáng kể. Trong khi có khá nhiều nghiên cứu khác ở châu Âu thì lại cho rằng tỉ lệ gia tăng này rất đáng để quan tâm.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, TS Pagona Lagiou, một giáo sư ở ĐH Athens, cho biết: “Đối với những người muốn kiểm soát cân nặng, tôi khuyên rằng họ nên cố gắng gia tăng các hoạt động thể chất và giảm bớt khẩu phần ăn trên tổng thể”.
6. Chất BPA trong vỏ đồ hộp khiến trẻ nhỏ béo phì

Theo một nghiên cứu mới đây thì chất hóa học phổ biến bisphenol A (BPA), được tìm thấy ở vỏ của nhiều hộp nhôm đựng thực phẩm có thể làm gia tăng đại dịch béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Leonardo Trasande, phó giáo sư về nhi khoa tại Đại học New York và các đồng nghiệp đã nghiên cứu nồng độ BPA trong nước tiểu của gần 2.900 trẻ em và thanh thiếu niên tham gia vào Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe từ năm 2003-2008 trên toàn nước Mỹ.

So sánh nồng độ BPA trong nước tiểu với cân nặng của những đối tượng này, các nhà nghiên cứu thấy rằng khoảng 10% số trẻ có nồng độ BPA trong nước tiểu thấp nhất là béo phì so với con số là hơn 22% số trẻ có có nồng độ BPA cao nhất là béo phì.

Kết quả này là như nhau ở cả bé trai và bé gái. BPA có mặt ở hầu hết mọi nơi. Theo thông tin cơ sở thì gần 93% số trẻ em Mỹ ≥ 6 tuổi được phát hiện có BPA trong nước tiểu.

Gần đây, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã cấm sử dụng chất BPA trong bình sữa và cốc dành cho trẻ sơ sinh vì lo ngại chất này sẽ gây ra các vấn đề về phát triển. Tuy nhiên, BPA vẫn được sử dụng trong nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Nhóm các nhà khoa học giả thuyết rằng BPA có thể hoạt động như hormon nữ tính estrogen và có thể ảnh hưởng tới các hormon và tế bào mỡ của cơ thể, gây ra tình trạng béo phì.

Nghiên cứu được đăng ngày 19/9 trên tạp chí Journal of the American Medical Association.
7. Ăn mặn liên quan với tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho thấy có mối liên quan rõ rệt giữa khẩu phần muối ăn và huyết áp cao hơn ở những trẻ ăn mặn như người lớn.

Các chuyên gia y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) ở Atlanta cho biết mối liên quan này là khá rõ rệt ở những trẻ thừa cân và béo phì.

Ăn quá mặn liên quan đến tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ chủ chốt dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh khác vốn được cho là chỉ có ở người lớn, nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em.

Nghiên cứu của CDC, Mỹ dựa vào số liệu từ các cuộc Khảo sát toàn nước Mỹ về hơn 6.200 trẻ và vị thành niên từ 8-18 tuổi. Những trẻ này được đo huyết áp từ 1-3 lần và cũng báo cáo chế độ ăn trong 24 giờ trước đó. Trung bình những trẻ này ăn 3,387 mg muối/ngày - cao hơn đáng kể so với mức khuyến nghị của các bác sĩ là 2,3 mg muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê).

Trong khi nghiên cứu trước đó của CDC cũng cho biết chế độ muối ăn của người lớn là chỉ 3,455 mg muối/ngày.

Chuyên gia dinh dưỡng Lauren Graf thuộc Viện Nhi ở Montefiore cho biết nghiên cứu theo dõi bữa ăn những thanh thiếu niên này và thấy rằng hàm lượng hấp thu muối của chúng bằng với người trưởng thành, mà phần lớn lượng muối này lại bắt nguồn từ các thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy cứ tăng mỗi 1.000 mg muối trong chế độ ăn của trẻ sẽ thấy tăng 1 về điểm huyết áp. Ở những trẻ thừa cân và béo phì thì cứ tăng mỗi 1.000 mg muối sẽ thấy tăng rõ rệt đến 1,5 điểm về huyết áp.

Bà Lauren Graf cũng cho biết bánh mì là nguồn muối lớn nhất trong chế độ ăn của người Mỹ, tiếp đến là thịt muối nướng. Một chế độ ăn lành mạnh bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, hoa quả, cá và các loại thịt tươi - sẽ tự động giảm lượng muối ăn hàng ngày.

Đến nay CDC Hoa Kỳ cũng kêu gọi các nhà chức tránh nên coi việc cắt giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày là một ưu tiên quốc gia đặc biệt đối với trẻ em.

Nghiên cứu mới được công bố ngày 17/9 trên tạp chí Khoa học Nhi khoa.
8. Tiêm laze không đau có thể thay thế kim tiêm

Các nhà khoa học Hàn Quốc đã khám phá ra một thiết bị mới sử dụng tia laze giúp bắn thuốc dưới da cho bệnh nhân mà không gây cảm giác đau.

Kim tiêm laze này thường được các bác sĩ da liễu sử dụng chủ yếu trong điều trị thẩm mỹ da mặt. Rất có thể trong tương lai hệ thống kim tiêm này sẽ thay thế kim tiêm truyền thống, giúp người bệnh không bị đau và có chi phí thấp.

Giáo sư Jack Yoh thuộc trường ĐH Quốc gia Seoul cho biết “Hệ thống sử dụng tia laze này được gắn với bộ phận có chứa thuốc ở dạng lỏng, bổ sung thêm 1 hốc nhỏ chứa nước có vai trò như chất dẫn. Khi hoạt động 2 loại chất lỏng này được tách biệt bởi một vách ngăn cơ động và hệ thống sẽ tạo ra những bọt hơi trong chất dẫn.

Bên cạnh đó áp lực của tia thuốc cao hơn sức căng của da, khiến cho tia thuốc xuyên vào sâu trong da một cách êm ái với đường kính mũi tiêm chỉ lớn hơn đường kính của một sợi tóc.

Giáo sư Yoh nói thêm kim tiêm pít-tông đã được dùng song độ mạnh của tia thuốc và liều thuốc là khó kiểm soát hơn.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm tiêm laze trên da lợn cho thấy tia thuốc có thể bắn sâu vài mm dưới da mà không ảnh hưởng gì đến các mô và kỹ thuật mới này sẽ được triển khai rộng rãi trên lâm sàng.
9. Xét nghiệm giúp dự báo sinh sớm

Các nhà khoa học Thụy Điển đã tìm thấy một phương pháp mới giúp dự báo khả năng sinh sớm.

Điều này nếu được áp dụng phổ biến sẽ giúp ích rất nhiều cho sản phụ và em bé.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã kiểm tra 142 thai phụ bị sinh sớm không phải vì vỡ ối sớm. Từ nghiên cứu này, họ tìm ra phương pháp kiểm tra cho phép dự đoán khả năng sinh sớm. Bằng cách phân tích hai loại protein chuyên biệt có trong nước ối, dịch cổ tử cung thai phụ và đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm có thể giúp chẩn đoán khả năng sinh sớm trước một tuần với độ chính xác từ 75-80%.

Hiện tại cần thêm nhiều nghiên cứu với kết quả tương tự như trên mới có thể đưa phương pháp này ứng dụng rộng rãi.

10. Đã phát hiện nguyên nhân gây viêm xoang mạn

Nghiên cứu mới đây cho thấy một loại vi khuẩn phổ biến, tồn tại trên da người và trước đây được cho là vô hại, thực sự có thể gây viêm xoang mạn (đau, sưng tái phát các xoang).

Theo các nhà khoa học thuộc Trường đại học California, San Francisco, thì viêm xoang có thể làm mất tính đa dạng vi khuẩn bình thường trong các xoang sau nhiễm trùng và vi khuẩn thủ phạm đã xâm chiếm các xoang sau đó.

Các tác giả đã so sánh quần thể vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm từ xoang của 10 bệnh nhân viêm xoang và 10 người khỏe mạnh. Kết quả là các bệnh nhân viêm xoang không có nhóm vi khuẩn thường gặp ở người khỏe mạnh. Họ cũng có số lượng lớn vi khuẩn Corynebacterium tuberculostearicum trong các xoang ở trán, má và mắt. Các tác giả cũng phát hiện một vi khuẩn hay gặp trong các xoang của người khỏe mạnh (Lactobacillus sakei), giúp cơ thể ngăn ngừa viêm xoang một cách tự nhiên. Trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, tiêm cho chuột loại vi khuẩn này đã bảo vệ chúng không bị viêm xoang.

Đau do viêm xoang có thể kéo dài nhiều tháng. Các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh diệt khuẩn, nhưng trường hợp nặng hơn và kéo dài, có thể phải phẫu thuật xoang. Nếu nguyên nhân ẩn dưới của viêm xoang là do sự thay đổi vi sinh của các loài vi khuẩn xâm nhập mô xoang, việc hồi phục sẽ xảy ra một cách tự nhiên, và vi khuẩn bảo vệ trong các xoang có thể là cách điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo rằng triển vọng của những kết quả này chưa được áp dụng ngay cho điều trị viêm xoang. Các phương pháp mới dựa vào những kết quả này vẫn đang được triển khai và thử nghiệm về độ an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng trên người.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine.
11. Kiểm soát cơn giận dữ giúp giảm huyết áp

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết học sinh trung học được hướng dẫn về cách kiểm soát sự tức giận và stress ít phải trải qua những cơn giận dữ và giảm được huyết áp.

Tiến sĩ Vernon A. Barnes, nhà sinh lý học tại Viện Sức khỏe cộng đồng và y học dự phòng thuộc Đại học khoa học sức khỏe Georgia, cho biết chương trình đào tạo 10 tuần là dễ dàng kết hợp trong lịch học tập của học sinh và giúp chúng kiểm soát được sự giận dữ và giảm huyết áp.

Nghiên cứu này gồm 86 học sinh được hướng dẫn về cách kiểm soát sự tức giận và stress so với 73 bạn đồng trang không nhận được hướng dẫn tương tự.

Được đăng tải trên tạp chí Translational Behavioral Medicine, nghiên cứu này phát hiện ra rằng khoảng 30% số trẻ có mức huyết áp cao hơn đã giảm được huyết áp tâm trương sau khi được hướng dẫn về cách kiểm soát sự tức giận và stress. Ngay cả mức giảm nhỏ về huyết áp khi còn trẻ cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tim mạch cũng như cải thiện sức khỏe toàn thân.

Tiến sĩ Barnes nói “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có một phương pháp hiệu quả mà các trường học có thể áp dụng để giúp học sinh hạn chế những cơn giận dữ dẫn tới bạo lực và cải thiện tình trạng thể chất của trẻ. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để đánh giá tác động của chương trình hướng dẫn này ở những học sinh vốn đã bị tăng huyết áp”.
12. Steroid cải thiện tình trạng kém phát triển phổi của thai

Nghiên cứu mới đây cho thấy corticosteroid có thể giúp phổi kém phát triển của thai nhi phát triển bình thường ngay cả sau ngưỡng thai kỳ thông thường là 34 tuần.

Hội nghị các bác sỹ sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyên rằng corticosteroid nên được dùng cho những thai phụ có nguy cơ sinh non chỉ trước ngưỡng 34 tuần.

Nghiên cứu mới - loại nghiên cứu hồi cứu - cho rằng các BS đôi khi nên cân nhắc dùng các thuốc này sau thời diểm đó.

Nhà nghiên cứu chính, TS Yoav Yinon, thuộc Trung tâm y khoa Sheba tại ĐH Tel-Aviv, Isreal, trao đổi với Reuters Health: “Lời khuyên của tôi là trong một số trường hợp LS, khi đang cân nhắc cho sinh trong khoảng từ 34-37 tuần, thì nên tiến hành chọc ối để đánh giá phát triển phổi của thai nhi và nếu các kết quả cho thấy kém phát triển phổi thì nên dùng steroid”.

Nghiên cứu được đăng trực tuyến trên tờ American Journal of Obstetrics and Gynecology.
13. Lợi ích của bắp ngô tím

Bắp ngô tím chứa một lượng cao sắc tố anthocyanin, một loại hợp chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là 4 lợi ích từ bắp ngô tím, theo Livestrong.

Ngừa ung thư:

Theo báo cáo của Trường đại học Ohio State (Mỹ), hợp chất trong bắp ngô tím có tác dụng chữa trị ung thư hiệu quả.

Ngoài ra, trong một cuộc nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã kiểm tra ảnh hưởng của hợp chất trong bắp ngô tím đến các tế bào ung thư gan. Kết quả cho thấy tác dụng chống ung thư của bắp ngô tím có được nhờ chức năng chống ôxy hóa của sắc tố anthocyanin.

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ giải thích những chất chống ôxy hóa có chức năng bảo vệ các tế bào khỏi các tác nhân gây hại bởi các gốc tự do. Khi các gốc tự do gây hư hại tế bào, nó có thể dẫn tới bệnh ung thư.

Chất chống ôxy hóa được tìm thấy trong bắp ngô tím có thể can thiệp các hoạt động tiêu cực của gốc tự do và làm cho các phân tử bị hư hại không thể phát triển hơn nữa.

Ngăn ngừa béo phì và tiểu đường:

Theo các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Doshisha (Nhật Bản), một trong những sắc tố anthocyanin có trong bắp ngô tím có tên cyanidin 3-O-beta-D-glucoside có tác dụng ngăn ngừa bệnh béo phì và tiểu đường.

Chống viêm, sưng:

Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nutritional Biochemistry cho thấy, các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Hallym (Hàn Quốc) chứng minh rằng sắc tố anthocyanin trong bắp ngô tím có tác dụng giảm viêm, sưng.

Tốt cho bệnh nhân bị cao huyết áp:

Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nutritional Science and Vitaminology cho thấy, sắc tố anthocyanin trong bắp ngô tím giúp ích cho các bệnh nhân cao huyết áp.
14. Tác hại của chế độ ăn giàu estrogen ở thai phụ

Các nhà nghiên cứu Mỹ tin rằng, chế độ ăn uống có nhiều lượng estrogen trong thời kỳ mang thai của người mẹ có thể tăng nguy cơ ung thư vú (UTV) ở con, cháu, chắt sau này, theo UPI.

Giáo sư Yue "Joseph" Wang tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Virginia ở Arlington và các cộng sự tại Trường đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, chuột mang thai được bổ sung estrogen nhân tạo hoặc chất béo qua đường ăn uống làm tăng nguy cơ ung thư vú của dòng con cái về sau.

Những loại thực phẩm giàu estrogen gồm đậu nành, sữa đậu nành, tàu hủ ky; hạt bạch quả; các loại đậu đỏ, đen, xanh, trắng, gạo lức...

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Communications kết luận, mặc dù những khám phá này chưa được nghiên cứu trên người nhưng đã chỉ ra các tác hại môi trường từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhà nghiên cứu Wang nói: “Đây là lần đầu tiên khoa học chứng minh được ADN có thể bị tác động bởi chế độ ăn cụ thể nào đó và có thể di truyền sang nhiều thế hệ”.
15. Chất xơ trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ dị ứng

Các nhà nghiên cứu cho biết một chế độ ăn nhiều chất xơ từ hoa quả và rau xanh giàu vitamin C và acid folic có thể giảm các triệu chứng và giảm viêm do dị ứng thời tiết.

Phó giáo sư Glenn Reeves, chuyên gia về dị ứng thuộc đại học Newcastle nói những người bị dị ứng thời tiết cần chủ động bổ sung các thực phẩm hỗ trợ hệ miễn dịch.

Ngoài việc tăng cường chất xơ thì các thực phẩm giàu "probiotic và prebiotic" cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, chuyên gia dinh dưỡng Simone Austin cho biết.

Bà nói probiotic có trong sữa chua chứa những vi khuẩn có lợi trong khi prebiotic có các thuộc tính kháng histamine và giảm viêm. Nếu bạn có một hệ tiêu hóa kém thì hệ miễn dịch của bạn sẽ luôn phải chịu áp lực. Vì vậy cách tốt nhất bạn có thể làm để đối phó với tình trạng dị ứng là cải thiện hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...