Tuesday, June 21, 2011

Tin vắn y học tháng 6 - 2011

1. Thuốc xịt mũi ngừa tiểu đường týp 1

Thuốc xịt mũi như một vaccin ngừa tiểu đường týp 1 đang được thử nghiệm trên người.

Một loại vaccin từng thử nghiệm thành công trên loài chuột để ngăn chặn bệnh tiểu đường týp 1 (lệ thuộc insulin) đang tiếp tục được thử nghiệm trên người tại Úc.

52 người tham gia thử nghiệm đã có biểu hiện sớm bệnh tiểu đường týp 1 nhưng chưa phát bệnh đến mức phải tiêm insulin. Họ được cho sử dụng giả dược (placebo) hoặc sử dụng vaccin thật trong vòng 12 tháng. Vaccin hấp thu qua niêm mạc mũi làm giảm sự nhạy cảm của hệ miễn dịch đối với insulin và ngăn cản bạch cầu tấn công tế bào beta trong tuyến tụy nội tiết.

Giáo sư Len Harrison cùng các đồng sự tại Viện Walter và Eliza Hall thuộc Bệnh viện Hoàng gia Melbourne nhận xét rằng nghiên cứu của họ đã đi đúng hướng để tìm ra một loại thuốc chủng ngừa cho bệnh tiểu đường týp 1, bên cạnh đó còn có thể mở rộng hướng nghiên cứu đối với những bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng…

Thử nghiệm về thuốc xịt mũi như một vaccin ngăn cản tiểu đường thể 1 được khởi đầu vào năm 2006 trên chuột và bây giờ là vào giai đoạn giữa khi nghiên cứu trên người. Tạp chí Gizmag nhận định là loại vaccin này có thể được cung cấp trên thị trường trong vòng hai năm tới.
2. Vaccin mới điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Các nhà khoa học Anh đã phát triển một loại vaccin có thể phá hủy khối ung thư tuyến tiền liệt, đồng thời vẫn giữ nguyên những tế bào lành lặn xung quanh.

Mặc dù chỉ mới được thử nghiệm trên các khối u tuyến tiền liệt, song các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể hiệu quả trên một loạt căn bệnh chết người khác như ung thư phổi, ung thư vú hay tuyến tụy.

BBC cho biết trong kỹ thuật này, người ta đã lấy ADN từ các tế bào khỏe mạnh, tạo ra vaccin và chữa cho chuột bị bệnh. Tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 80%.

Khác với các vaccin truyền thống được tiêm để "phòng ngừa" nhiễm virus hay vi khuẩn, vaccin kiểu mới sẽ kích thích hệ miễn dịch tấn công vào khối u trong cơ thể, nghĩa là nó được sử dụng sau khi cơ thể đã bị chẩn đoán ung thư.

Một điều rất quan trọng trong cách trị liệu này là các tế bào lành lặn của cơ thể sẽ không bị ảnh hưởng.

Trung tâm nghiên cứu Ung thư Anh nhận định đây là bước phát triển vượt bậc, song cần thực hiện thêm các nghiên cứu trên người trước khi ra quyết định.

Giáo sư Alan Melcher, từ Đại học Leeds, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các thử nghiệm lâm sàng trên người có thể được thực hiện trong một vài năm tới.
3. Mẹ cho con tử cung

Bác sĩ Mats Brannstrom tại Bệnh viện ĐH Sahlgrenska (Thụy Điển) đang lên kế hoạch mổ cấy ghép tử cung từ bà mẹ Eva Ottosson (56 tuổi) cho con gái là Sara Ottosson (25 tuổi). Nếu thành công, đây sẽ là ca ghép tử cung đầu tiên trên thế giới

Theo báo Pháp Le Figaro, Sara bị hội chứng Mayer-Rokytansky-Kuster-Hause (MRKH), một chứng bệnh chỉ xuất hiện bình quân 1/5.000 phụ nữ, khiến tử cung không phát triển từ nhỏ.

Ê kíp phẫu thuật đã nghiên cứu thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép này trong vòng 10 năm, khảo sát 10 cặp (đa số là mẹ con) và hai mẹ con bà Ottosson được chọn. Nếu cấy ghép thành công, Sara sẽ mang thai sau khi bào thai được thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó buộc phải sinh mổ. Tử cung sẽ được lấy ra trong 3 năm để tránh biến chứng.
4. Tế bào gốc có thể làm nhanh liền xương

Gãy xương rồi được phẫu thuật nối liền là chuyện bình thường. Nhưng ở một số đối tượng như người già, người bị bệnh nhiễm trùng nặng, người bị bỏng nặng thì sự liền xương là tương đối khó khăn. Mới đây, người ta khám phá ra tế bào gốc có thể làm liền xương đa năng, kể cả những đối tượng khó liền xương nhất.

Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất được báo cáo tại một hội nghị khoa học thường niên của Hội nội tiết học ở Massachusetts, Mỹ. Theo báo cáo được trình bày tại hội nghị này, các nhà khoa học đến từ Đại học North Carolina đã tiến hành cho thêm các tế bào gốc vào ổ gãy xương và thấy rằng các tế bào gốc làm ổ gãy nhanh được liền hơn một cách đáng kinh ngạc. Tìm hiểu cơ chế, các nhà khoa học thấy rằng, tế bào gốc được xử lý với yếu tố phát triển IGF có thể biệt hoá thành tế bào xương và làm cho ổ gãy liền lại.

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, người ta thấy rằng, việc điều trị gãy xương giờ đây không quá khó. Các ổ gãy xương “khó nhằn” giờ đây không còn là vấn đề quá lớn với công nghệ tế bào gốc.
5. Hai loại thuốc mới trị ung thư da

2 loại thuốc mới Vemurafenib và Ipilimumab giúp kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư da đã được công bố tại hội thảo Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ.

Thuốc Vemurafenib đã được thử nghiệm trên 675 bệnh nhân bị ung thư da. Kết quả cho thấy, 84% bệnh nhân uống Vemurafenib 2 lần/ ngày có thể sống thêm 6 tháng, trong khi tỉ lệ này ở hóa trị chỉ là 64%.

Một thử nghiệm khác cho thấy tiêm Ipilimumab cũng giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân ung thư da ác tính.

Theo đó, thuốc tác động lên gen lỗi có tên BRAF. Đây là loại gen xuất hiện ở hầu hết những bệnh nhân đã bị ung thư di căn.

Các nghiên cứu tiếp theo sẽ xem xét liệu Vemurafenib có thể điều trị các loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp và ung thư ruột không.

GS Richard Marais, Viện Nghiên cứu Ung thư, người đã chứng minh vai trò của gen BRAF liên quan với các khối u ác tính, đánh giá: “Đây là bước đột phá trong việc chữa trị ung thư hơn 30 năm qua” và là “bước tiến to lớn trong lĩnh vực này”.

Theo GS Peter Johnson, chuyên gia lâm sàng TT Nghiên cứu Ung thư Anh, các phép trị bệnh trên thật sự hiệu quả và thực tế. Những thành công của nghiên cứu này phần nào thúc đẩy các chuyên gia nỗ lực hơn trong việc giúp các bệnh nhân chống chọi lại với căn bệnh ung thư da nguy hiểm này.
6. Phát hiện protein chặn ung thư dạ dày lan rộng

Các nhà khoa học thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc ngày 17/6 cho biết họ đã phát hiện ra một loại protein tự nhiên có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư dạ dày.

Phát hiện này có thể giúp mang lại một cách thức điều trị mới đối với căn bệnh vốn được coi là rất khó chữa trị này.

Nhóm các nhà khoa học về bệnh lý học (pathology) đứng đầu là giáo sư Park Sang-won cho biết họ đã thí nghiệm thành công loại protein mang tên Gastrokine 1 (GKN1) trong việc ngăn chặn các tế bào của các khối u trong dạ dày phát triển.

Các nhà khoa học Hàn Quốc đã lấy 40 mẫu tế bào từ các bệnh nhân đang có khối u trong dạ dày để tiến hành thí nghiệm. Kết quả cho thấy đã có mối liên hệ giữa số lượng GKN1 được sản xuất ra trong dạ dày và sự phát triển của các khối u.

Giáo sư Park cho biết: “Qua quan sát, một số lượng lớn loại protein nói trên đã tham gia vào quá trình ngăn không cho các tế bào ung thư phát triển. Đồng thời, các cuộc thí nghiệm cũng cho thấy có sự suy giảm đáng kể GKN1 trong giai đoạn đầu của căn bệnh ung thư dạ dày.”

Do GKN1 là loại protein tự nhiên nên việc nghiên cứu cách thức để cơ thể con người có thể tự sản sinh ra loại protein này sẽ có thể giúp kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư mà không gây tác dụng phụ.

Giáo sư Park cũng cho biết thêm rằng kết quả kiểm tra hàm lượng protein nói trên trong dạ dày cũng có thể giúp các bác sỹ nhanh chóng có những chẩn đoán chính xác về căn bệnh ung thư ngay từ lúc bắt đầu. Bên cạnh đó, tiến bộ khoa học này có thể mang lại nhiều cơ hội cho việc điều trị thành công căn bệnh ung thư dạ dày gây chết người này.
7. Nam châm có thể thay aspirin

Lâu nay người ta quen dùng thuốc aspirin để chống kết tiểu cầu, tức là làm cho máu không đóng cục gây nghẽn mạch vành, chống nhồi máu cơ tim và dự phòng tai biến mạch máu não. Song aspirin còn có những phản ứng phụ không mong muốn, điển hình là gây xuất huyết dạ dày, nếu dùng thường xuyên.

Gần đây các nhà nghiên cứu ở Đại học Temple, Michigan (Mỹ) cho biết nam châm có thể thay thế aspirin. Từ trường có thể làm loãng nhiên liệu, tương tự có thể ảnh hưởng đến máu của con người.

Nam châm (Fe2O4) có khả năng hút sắt, nên cũng tác động lên hemoglobin mà mỗi phân tử chứa 4 nguyên tử sắt). Vì vậy nó làm giảm độ nhớt của máu, hạn chế kích thích tiểu cầu. Ngoài ra nam châm còn có khả năng đẩy lùi vi khuẩn có hại từ máu nhiễm độc ra khỏi cơ thể.

Giáo sư vật lý Rongdzhia Tao, người được coi là tiên phong trong việc sử dụng điện từ trường để giảm độ nhớt của dầu công nghiệp, đề xuất áp dụng quá trình này cho người. Ông Tao, cho giảm độ nhớt của máu từ 20-30%, đặt hiệu ứng nhất thời trong những cảm ứng từ trường khoảng 1,3 Tesla (đơn vị đo cảm ứng từ).

Khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng từ trường dẫn đến sự phân cực của các tế bào máu đỏ, đẩy mạnh lưu thông máu và giảm áp lực tổng thể trên các thành mạch máu. Một vài giờ sau, độ nhớt của máu từ từ trở lại bình thường.

Ông Tao nói:“Bằng cách chọn cường độ từ trường thích hợp và thời gian xung, chúng ta có thể điều chỉnh kích thước của chuỗi các tế bào máu đỏ, và độ nhớt của máu. Hiện nay các chất làm loãng máu duy nhất chỉ có thuốc aspirin, song nó thường có tác dụng phụ."

Phương pháp của ông Tao là an toàn và có thể thực hiện thường xuyên. Ông cũng lưu ý rằng, việc giảm độ nhớt của máu không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tế bào máu đỏ.

Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn điều trị, các chuyên gia vẫn phải tiếp tục hoàn thiện phương pháp này.
8. Hóa trị liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhóm khoa học gia Bỉ, Hà Lan: việc mẹ trải qua quá trình điều trị hóa chất lúc mang thai không gây ảnh hưởng đáng kể nào lên thai nhi.

Nghiên cứu trên được các nhà khoa học thực hiện trên 64 trẻ em có mẹ phải trải qua hóa trị liệu trong lúc mang thai. Quá trình theo dõi cho thấy, các em bé không bị bất cứ di chứng lâm sàng hoặc thần kinh nào sau khi ra đời và cho đến khi các em đã được 1, 2 tuổi.

Công trình trên được bắt đầu vào năm 2004, do giáo sư Frederic Amant (Đại học Leuven, Bỉ) chủ trì, tìm hiểu về tác động của hóa trị đối với quá trình mang thai và hậu quả lên thai nhi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một nửa số phụ nữ mang thai bị bệnh ung thư sẽ sinh non. Và thường các hóa chất trong quá trình điều trị của mẹ hiếm khi vượt khỏi nhau thai, giúp cho thai nhi được bảo vệ trước ảnh hưởng của hóa trị liệu.

Nhóm của giáo sư Amant vẫn đang tiếp tục theo dõi sự phát triển của các em bé trong chương trình, đồng thời nghiên cứu thêm nhiều trường hợp khác để có thể đưa đến kết luận cụ thể hơn.
9. Trẻ phơi nắng nhiều cũng nguy

Phơi nắng quá nhiều đều có hại cho da, nhưng đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Bởi trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm, chưa hình thành đủ các lớp bảo vệ tự nhiên chống lại tia nắng cường độ cao.

Trong thực tế, sự tác động của ánh nắng mặt trời xảy ra sớm ở những năm đầu đời của đứa trẻ có thể kích hoạt các phản ứng dẫn đến u hắc tố ác tính và các dạng khác của ung thư da sau này. Da hoạt động như rào cản để chống lại tia cực tím (UV), nhưng nó cũng đóng vai trò cho hệ thống miễn dịch được khỏe mạnh.

Bức xạ tia cực tím có thể ngăn chặn hệ thống miễn dịch và làm tổn thương các tế bào da và quá trình này ở trẻ em xảy ra nhanh hơn so với người lớn. Các nhà nghiên cứu cho biết, da của trẻ có mức sắc tố melanin thấp, lớp da bảo vệ bên ngoài mỏng hơn nên khi tiếp xúc với bức xạ của tia cực tím làm tế bào da dễ dàng sản xuất ra hắc tố melanin. Ông Robin Gehris, bác sĩ bệnh viện Nhi Pittsburgh (Mỹ) cho biết: hậu quả của các tế bào này là "tiền thân của khối u hắc tố".

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyên các bậc phụ huynh tránh cho trẻ dưới 6 tháng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đối với trẻ lớn hơn, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nên cho trẻ đội mũ có vành và quần áo bảo vệ, sử dụng kem chống nắng ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng kem chống nắng, nên chọn kem chống nắng có độ SPF từ 15 trở lên và bôi trước khi ra nắng từ 15-30 phút. Hạn chế cho trẻ ra nắng vào lúc trưa bởi lúc đó mặt trời nóng nhất, tốt nhất chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm.
10. Dầu ôliu làm giảm nguy cơ đột quỵ

Nghiên cứu trên 7.000 người Pháp cho thấy, những người ăn dầu ôliu có nguy cơ đột quỵ thấp hơn người không sử dụng loại dầu này.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe và Nghiên cứu Y khoa ở Bordeaux, Pháp đã theo dõi 7.625 người ≥ 65 tuổi từ 3 thành phố Bordeaux, Dijon và Montpellier trong thời gian 5 năm.

Các đối tượng được chia vào các nhóm dựa trên mức độ sử dụng dầu ôliu. Sau khi hiệu chỉnh các yếu tố về cân nặng, hoạt động thể chất và chế độ ăn tổng thể, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người sử dụng dầu ôliu thường xuyên có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 41% so với những người không ăn dầu ôliu.

Cecilia Samieri tác giả nghiên cứu cho biết đột quỵ là một bệnh hay gặp ở người già và dầu ôliu là một biện pháp phòng ngừa dễ dàng và không tốn kém.

Các kết quả được công bố trên tạp chí Neurology của Hội Thần kinh Hoa Kỳ.
11. FDA ban hành quy định mới về kem chống nắng

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu thay đổi nhãn mác đối với các sản phẩm kem chống nắng nhằm xác định các sản phẩm tốt nhất trong việc giảm nguy cơ ung thư da, lão hoá da sớm và ngăn ngừa cháy nắng.

Theo quy định mới, kem chống nắng bảo vệ chống tia UVA và UVB có thể ghi nhãn là “Phổ rộng”. Cả tia UVB và UVA có thể gây cháy nắng, ung thư da và lão hoá da sớm.

Theo quy định mới các sản phẩm kem chống nắng phải có yếu tố bảo vệ da chống ánh nắng mặt trời (SPF) tối thiểu là 15 hoặc cao hơn.

Kem chống nắng với SPF từ 2-14 có thể được dán nhãn là “Phổ rộng”, song chỉ những sản phẩm kem chống nắng phổ rộng với SPF ≥ 15 mới được xem là giảm nguy cơ ung thư da và lão hoá da sớm.

Các sản phẩm kem chống nắng không thuộc loại phổ rộng hoặc kem chống nắng phổ rộng có SPF trong khoảng từ 2-14 sẽ phải có cảnh báo về việc không bảo vệ khỏi ung thư da hoặc lão hoá da sớm.

FDA cũng cấm sử dụng thuật ngữ "sunblock" (ngăn chặn ánh nắng) đối với các sản phẩm kem chống nắng và sử dụng thuật ngữ "water resistant" (khả năng chịu nước) thay cho "waterproof" (không thấm nước) để chỉ thời gian chịu nước của sản phẩm.
12. Ung thư máu do các thuốc chẹn TNF

Các nhà quản lý y tế Hoa Kỳ nhận được thêm nhiều báo cáo về bệnh ung thư máu hiếm gặp ở bệnh nhân trẻ hiện đang dùng nhóm thuốc kháng viêm để điều trị các rối loạn tiêu hóa.

Các thuốc này, được gọi là thuốc chẹn yếu tố hoại tử khối u (TNF), được sử dụng để điều trị bệnh Crohn và viêm loét đại tràng gây viêm đường tiêu hóa.

Chúng gồm các thuốc được sử dụng rộng rãi như Remicade và Simponi của hãng Merck & Co và Johnson & Johnson, Enbrel của Amgen Inc, Humira của Abbott Laboratories Inc và Cimzia của UCB SA.

Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm trước đây đã cảnh báo về tăng nguy cơ u lympho và các dạng ung thư khác có liên quan với việc sử dụng thuốc chẹn TNF ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

Trong thông báo mới đây, FDA cho biết ung thư máu, còn được gọi là u lympho tế bào T gan lách hoặc HSTCL, được báo cáo chủ yếu ở trẻ vị thành niên và người lớn trẻ tuổi đang sử dụng thuốc chẹn TNF, hoặc các thuốc khác như azathioprin – là thuốc ức chế hệ miễn dịch và mercaptopurin - một thuốc điều trị bệnh bạch cầu.

FDA thông báo trên website của cơ quan này rằng hướng dẫn sử dụng Remicade và Humira đã được cập nhật, hướng dẫn sử dụng azathioprin và mercaptopurin cũng đang được bổ sung cảnh báo về HSTCL.

FDA cho biết phần lớn các trường hợp được báo cáo là ở các bệnh nhân đang được điều trị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, song các báo cáo cũng bao gồm một bệnh nhân đang điều trị bệnh vảy nến và hai bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thuốc chẹn TNF ức chế hệ miễn dịch bằng cách ngăn chặn hoạt động của TNF (yếu tố hoại tử khối u), một chất trong cơ thể có thể gây viêm và dẫn đến các bệnh về hệ miễn dịch.
13. Formaldehyde và styrene là các chất gây ung thư

Hôm 10/6, chính phủ Mỹ đã bổ sung formaldehyde và styrene vào danh sách các chất gây ung thư.

Trong báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), các nhà khoa học cảnh báo rằng những người tiếp xúc nhiều với formaldehyde có nguy cơ bị ung thư mũi hầu, bệnh bạch cầu tủy và các dạng ung thư khác.

Formaldehyde là một chất khí không màu, có mùi hăng rất mạnh thường được sử dụng trong ngành may mặc, sản xuất giấy và vật liệu gia dụng.

Chất này cũng thường được sử dụng như một chất bảo quản trong các phòng thí nghiệm y học, sử dụng để ướp xác và trong một số sản phẩm tiêu dùng bao gồm các thuốc duỗi tóc.

Báo cáo của Chương trình Nghiên cứu Chất độc Quốc gia Mỹ (NTP) cũng đã bổ sung styrene vào danh sách các chất có thể gây ung thư ở người.

Styrene là một hóa chất được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh, hộp đựng thức ăn…Báo cáo cũng chỉ ra rằng khả năng phơi nhiễm styrene lớn nhất là thông qua khói thuốc lá.

Các nghiên cứu trên cả người và động vật cho thấy phơi nhiễm styrene gây tổn thương các tế bào bạch cầu làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu hoặc u lympho. Cũng có bằng chứng cho thấy phơi nhiễm styrene làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.

Tuy nhiên John Bucher, phó giám đốc NTP cho biết việc có tên trong danh sách không có nghĩa là bản thân chất này có thể gây ung thư. Rất nhiều yếu tố khác, bao gồm mức độ và thời gian phơi nhiễm, độ nhạy tiếp xúc có thể tác động đến nguy cơ tiến triển ung thư.
14. Sẽ có vaccin sốt xuất huyết vào năm 2015?

Hãng dược Sanofi của Pháp vừa cho hay, vaccin phòng chống bệnh sốt xuất huyết của hãng có thể sẽ có mặt trên thị trường trong khoảng 4 năm nữa.

Hãng tin AFP dẫn lời Jean Lang - người đứng đầu phòng phát triển vaccin tại công ty Sanofi-Paster thuộc tập đoàn Sanofi - cho biết hồi cuối tuần qua. “Vaccin sốt xuất huyết có thể sẽ xuất hiện trên thị trường vào… năm 2015”,

Cũng theo ông Lang, thời gian tung sản phẩm trên ra thị trường phụ thuộc vào sự chấp thuận của từng nước, vốn dựa vào các kết quả thử nghiệm.

Đây là loại vaccin sốt xuất huyết đầu tiên qua được các cuộc thử nghiệm lâm sàng “Giai đoạn 3” - bước cuối cùng trước khi kết quả được nộp cho cơ quan liên quan để được thông qua.

Được biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết, thường chủ yếu ở những nước đang phát triển.Hiện chưa có vaccin đặc hiệu phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...